Báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng trước Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, đã hoạt động hết mức công suất thiết kế. Một số phương án khác được đưa ra để giải quyết vấn đề quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đều không khả thi hoặc là đắt đỏ.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần sớm xây dựng sân bay Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực.
Theo báo cáo lần này, dự án đòi hỏi phải giải phóng 2.750 ha với kinh phí giải phóng một lần là 9.540 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại gồm 1.050 ha dành cho quốc phòng và 1.200 ha dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không sẽ được giải phóng mặt bằng trong các dự án độc lập khác.
So với báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, tổng mức đầu tư có sự thay đổi. Tại báo cáo đầu tư ban đầu, giá trị khái toán là 18,7 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD. Sau khi rà soát và tính toán chi tiết trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự trên thế giới và trong khu vực, giá trị khái toán Chính phủ đưa ra lần này là 15,8 tỷ USD trong đó giảm phần lớn là ở giai đoạn 1, giảm từ 7,8 tỷ USD xuống còn 5,2 tỷ USD.
Việc giảm mức đầu tư là do Chính phủ giảm phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư, từ 5.000 ha xuống còn 2.750 ha, giảm hạng mục đầu tư và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư, áp dụng đơn giá thực tế tại Việt nam thay vì đơn giá theo suất đầu tư của Nhật Bản.
Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại đề xuất với Quốc hội giải phóng mặt bằng một lần và thu hồi toàn bộ diện tích 5.000 ha của dự án (tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 ha). Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho Dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng Ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết, không nên tách rời Dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau.
Ngoài ra, việc sử dụng đất của người dân sống trong vùng Dự án đã bị hạn chế do đã công bố quy hoạch nhiều năm nay. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và người dân sống trong vùng quy hoạch Dự án đều mong Dự án sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay đã điều tra và xác định tổ chức, cá nhân sử dụng đất là 4.409,3 ha đất, chiếm 88,2% tổng diện tích đất thu hồi trong Dự án, số còn lại là 590,7 ha đất đang tiến hành điều tra.
Đối với đất tái định cư, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư với diện tích 282,3 ha bảo đảm cho các hộ dân dự kiến nằm trong diện thu hồi đất.
Qua ý kiến của địa phương cho thấy, hầu hết các hộ dân có đất thu hồi ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án (99,4%) và đề nghị chung của các hộ dân là sớm triển khai Dự án để các hộ dân ổn định cuộc sống. Dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã tính theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành.