Ra "Tối hậu thư"...
Theo nội dung Công văn 4530/UBND-ĐT ngày 15/9/2017, UBND TP.Hà Nội yêu cầu, lãnh đạo UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành phố về những tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc phát sinh các trường hợp vi phạm đất đai, quy hoạch kiến trúc, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, phải hoàn thiện hồ sơ, xử lý dứt điểm phần công trình vi phạm theo quy định.
UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Cục thuế, Sở Tài chính lập hồ sơ điều chỉnh quyết định giao đất và xác định bổ sung nghĩa vụ tài chính do thay đổi mật độ, hệ số sử dụng đất đối với phần diện tích sai phạm. Đối với phần diện tích vi phạm trật tự xây dựng trong quá trình thụ lý, thẩm định hồ sơ xem xét cấp giấy chứng nhận phải có ý kiến của cơ quan quản lý xây dựng.
Các dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ làm gia tăng dân số cơ học, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải đánh giá lại khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, Thanh tra Sở Xây dựng và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố vẫn phải xử lý, xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng cháy.
Riêng đối với 9 dự án có vi phạm phức tạp, Hà Nội giao một số sở, ngành và các quận làm rõ những nội dung, biện pháp cần xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải báo cáo bằng văn bản về kết quả cấp giấy chứng nhận của 9 dự án có vi phạm. Trong đó, cần làm rõ tổng số căn hộ theo thiết kế được duyệt, kết quả đã cấp giấy chứng nhận. Sở Xây dựng đánh giá, để xuất biện pháp xử lý, khắc phục vi phạm của từng dự án.
Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện; báo cáo UBND Thành phố kết quả trong tháng 10/2017.
… Nhưng đừng để "không hồi âm”
Đánh giá khá cao về việc UBND TP. Hà Nội ra công văn yêu cầu xử lý vi phạm, coi đây là việc cần thiết nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, cần phải làm rõ hơn về cách thức xử lý vi phạm để, tránh tâm lý nếu bị cơ quan chức năng sờ đến thì "bôi trơn" là xong.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, theo nội dung Công văn 4530, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng Cục thuế, Sở Tài chính lập hồ sơ điều chỉnh quyết định giao đất và xác định bổ sung nghĩa vụ tài chính do thay đổi mật độ, hệ số sử dụng đất đối với phần diện tích sai phạm.
Tuy nhiên, hiện nay, giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ được tính bằng số mét vuông vi phạm nhân với giá tiền mỗi mét vuông nhà do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Mức này sẽ thấp, bởi bảng giá đất, chi phí xây dựng UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Điều này sẽ không đủ tính răn đe với các chủ đầu tư vi phạm.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw cho rằng, trước đây, theo quy định tại Khoản 8, Điều 11, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP (bị thay thế bởi Nghị định số 121/2013/NĐ-CP), những hành vi vi phạm như xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch được duyệt…, thì ngoài hình thức xử phạt hành chính, chủ đầu tư có hành vi vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại các Điều 12, 13, 14, 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP (buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm).
Cũng theo Luật sư Hà, do tại một số địa phương, công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch còn lỏng lẻo, nhiều công trình còn được chính quyền cơ sở bao che cho việc xây dựng, nên việc phá dỡ công trình vi phạm trong trường hợp này rất khó khăn. Ngoài ra, việc này cũng gây lãng phí tiền và tài sản của người dân, nên để khắc phục tình trạng, tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đã bổ sung thêm nhiều yêu cầu xử lý vi phạm ở Điều 13.
Trong đó, tại Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121 nêu rõ, ngoài hành vi quy định tại tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7, Điều 13 mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ.
Đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình, thì chủ đầu tư phải nộp phạt bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Theo Luật sư Hà, nếu trước đây, biện pháp này được quy định thì chắc chắn sẽ không có dự án nào dám tự nâng tầng để phục vụ mục đích kinh doanh, bởi sẽ không có lợi cho chủ đầu tư, thậm chí còn bị lỗ. Tuy nhiên, thực tế quy định này đưa ra không được áp dụng triệt để, dẫn đến các chủ đầu tư nâng thêm tầng, vượt quá diện tích xây dựng…
Những sai phạm này không thể phá dỡ, bởi nhiều dự án đã đưa vào sử dụng khá lâu và trên thực tế, chưa dự án nào bị phá dỡ. Do đó, để đảm bảo hơn tính răn đe, hạn chế những sai phạm tương tự, cần phải mạnh tay áp dụng lại các yêu cầu trong Nghị định 121.
Danh tính các dự án không được nêu tên cụ thể trong Công văn số 4530/UBND-ĐT, nhưng căn cứ từ kết quả Đoàn Thanh tra liên ngành báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội hồi tháng 4/2017 có nhiều dự án sai phạm.
Chẳng hạn, dự án Khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông). Tại dự án này, chủ đầu tư chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng từ 992 căn lên 1.478 căn. Đến thời điểm thanh tra, Công ty chưa nộp phí xây dựng theo Kết luận 10660 do Sở Xây dựng ban hành tháng 12/2014.
Tại dự án chung cư do Tổng công ty Tài nguyên và môi trường Việt Nam và CTCP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư (số 143, ngõ 85 Hạ Đình, quận Thanh Xuân), đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Tương tự, tại dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân, chủ đầu tư đã tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu PCCC.
Với dự án Skylight 125D Minh Khai (Hai Bà Trưng) do Tổng công ty Cơ khí xây dựng làm chủ đầu tư, đoàn Thanh tra liên ngành kết luận, chủ đầu tư đã tăng số lượng căn hộ các tầng, sử dụng tầng áp mái sai mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính tiền chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng đối với quỹ nhà 20%.
Ở dự án Khu nhà ở Mễ Trì do CTCP Đầu tư và phát triển nhà số 68 làm chủ đầu tư, dự án chưa được nghiệm thu tổng thể PCCC, chưa nộp đủ tiền chênh lệch giữa giá thành và giá trị xây dựng đối với 46 căn thấp tầng theo số tiền tạm tính của cục thuế, tự ý bán 10 căn hộ cho Quỹ đầu tư phát triển khi chưa được UBND Thành phố chấp thuận, tự điều chỉnh tăng số lượng căn hộ cao tầng, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, dự án Sakura Tower, số 47 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) của CTCP Hùng Tiến Kim Sơn, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, công trình sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC.
Dự án Toà nhà chung cư - Trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung, Hà Đông của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Bình Vượng tự ý xây tăng thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, danh sách còn có CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội tự ý điều chỉnh tăng số lượng căn hộ tại các tầng, xây thêm 1 tầng hầm tại dự án ở Khu đô thị mới Sài Đồng; Công ty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penthouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án 88 Láng Hạ...
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com