Dự án Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai: 15 năm chưa thông tuyến do bố trí vốn quá dàn trải

Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang-Tuyên Quang đã mắc phải căn bệnh “kinh niên” trầm kha nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản: bố trí vốn quá dàn trải và kéo dài.
Quốc lộ 4 - đoạn sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020

Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang-Tuyên Quang đã mắc phải căn bệnh “kinh niên” trầm kha nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản: bố trí vốn quá dàn trải và kéo dài.

Vốn cấp nhỏ giọt

Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 868/TB-KTNN thông báo kết quả kiểm toán Dự án Đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn Km238 - Km258, đoạn Km271 - Km299 và đoạn Km339 - Km414 (Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai).

Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 6 làm đại diện chủ đầu tư được Kiểm toán Nhà nước đưa vào danh sách kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các dự án đường sắt và đường bộ quan trọng theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020.

Đây là một trong những dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường bộ có số phận hẩm hiu bậc nhất do Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai trong vòng 15 năm trở lại đây.

Theo Quyết định số 2620/QĐ-BGTVT ngày 1/8/2005, Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai có tổng mức đầu tư 1.565 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ để nâng cấp 95 km Quốc lộ 4 đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, trong đó đoạn qua địa phận Hà Giang dài 66,8 km; qua tỉnh Lào Cai dài 28,2 km. Công trình được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công.

Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công.

Tuy nhiên, vận rủi bắt đầu bủa vây Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai vào đầu năm 2011, khi công trình bắt đầu giai đoạn thi công nước rút.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai phải dừng giãn tiến độ đến sau năm 2015. Vì vậy, từ khi khởi công đến năm 2015, Dự án chỉ được bố trí 688,855 tỷ đồng (trong đó, năm 2015 được bổ sung 24,38 tỷ đồng) để ưu tiên hoàn thành trước 48,8 km (cả giải phóng mặt bằng) một số đoạn tuyến thuộc huyện Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) và huyện Xín Mần, Vị Xuyên (Hà Giang).

Do thiếu vốn, chủ đầu tư buộc phải tạm dừng thi công, chỉ làm đảm bảo giao thông đoạn Km339 - Km368 dài 24,5 km (đã cơ bản xong nền) thuộc huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).

Trong giai đoạn này, do biến động lớn về giá cả nguyên vật liệu, cơ chế chính sách của Nhà nước (tiền lương, ca máy…), các gói thầu đang thi công, nên chưa chuẩn xác được chi phí trượt giá và xác định giá trị hoàn thành. Sau khi thi công xong, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ quyết toán (gồm cả quyết toán đến điểm dừng kỹ thuật), chi phí xây dựng đã tăng lên rất nhiều so với dự toán ban đầu, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Qua rà soát, tính đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (tháng 9/2020), chủ đầu tư còn nợ các nhà thầu thi công 136,3 tỷ đồng.

Trong suốt giai đoạn 2016 - 2018, Dự án gần như tê liệt, không được bố trí bất kỳ đồng vốn nào (cả kinh phí để đảm bảo giao thông cho 24 km bị dừng giãn từ năm 2011).

Hy vọng đối với Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Tuyên Quang chỉ “sống lại” với Nghị quyết 556 khi Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai được bố trí 430 tỷ đồng để hoàn thành đoạn tuyến Km339 - Km368 bị dừng giãn từ năm 2011 (đã cơ bản thi công xong nền đường).

Ngày 27/2/2019, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt phân kỳ đầu tư theo Quyết định số 363/QĐ-BGTVT với tổng mức đầu tư là 430 tỷ đồng để thi công hoàn thành đoạn tuyến Km339 - Km368. Đến thời điểm này, đại diện Ban Quản lý dự án 6 xác nhận, đoạn tuyến Km339 - Km368 đã cơ bản hoàn thành trong năm 2020 như yêu cầu của GTVT.

Mặc dù vậy, theo Kiểm toán Nhà nước, căn cứ quyết định đầu tư ban đầu, Dự án phải hoàn thành trong năm 2008 và 2013 (theo tiến độ điều chỉnh). Tuy nhiên, đến hết năm 2014, Dự án chỉ hoàn thành, đưa vào sử dụng được 6 gói thầu xây lắp (1, 2, 3, 15, 16, 17) và 2/3 gói thầu số 4. Sau khi được bố trí nguồn vốn dự phòng, Dự án triển khai tiếp thêm 5 gói thầu xây lắp, nhưng vẫn còn 4 gói thầu chưa tìm được vốn để hoàn thành.

Vẫn chưa thông tuyến

Do vốn bố trí quá dàn trải nên sau 15 năm kể từ khi được phê duyệt đầu tư, Dự án vẫn chưa được thông tuyến theo mục tiêu ban đầu, chưa phát huy hiệu quả đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo thuyết minh, Dự án là tuyến đường vành đai biên giới nối Quốc lộ 4C (phía Hà Giang) với Quốc lộ 4D (phía Lào Cai). Toàn tuyến có chiều dài 176 km, trong đó được phê duyệt đầu tư 95 km. Tuy nhiên, ngay cả đoạn tuyến dài 95 km cũng chỉ có 51 km hoàn thành trước năm 2015 và 24 km vừa được hoàn thành vào năm 2020.

“Còn lại 20 km đoạn qua đèo Tây Côn Lĩnh (Km368 - Km388) chưa được bố trí vốn để thi công, đảm bảo tính đồng bộ và thông suốt theo mục tiêu đầu tư”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Không biết có phải “áy náy” do vốn bố trí quá manh mún, nên trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư có phần lỏng tay với các nhà thầu thi công.

Tại Thông báo số 868, Kiểm toán Nhà nước cho biết, các gói thầu tại Dự án Quốc lộ 4 đoạn Hà Giang - Lào Cai đều chậm tiến độ so với cam kết ban đầu, có những gói thầu phải mất 3 lần gia hạn, nhưng bên giao thầu không có văn bản khiển trách; không yêu cầu bên nhận thầu lập lại tiến độ chi tiết làm căn cứ thực hiện hợp đồng.

Đặc biệt, tại Gói thầu số 5, nhà thầu được chủ đầu tư tạm ứng 39 tỷ đồng, trong khi giá trị khối lượng được các bên thống nhất nghiệm thu đến điểm dừng kỹ thuật thời điểm Dự án bị giãn, hoãn tiến độ là 31,6 tỷ đồng. Trong suốt 4 năm (2015 - 2019), Ban Quản lý dự án 6 chỉ phát 2 văn bản đòi nhà thầu hoàn trả 7,52 tỷ đồng tiền tạm ứng không sử dụng. Đến đầu tháng 4/2019, đơn vị thi công mới hoàn trả ngân sách nhà nước 7,52 tỷ đồng, mà lẽ ra cần phải thực hiện từ 4 năm trước.

Ở chiều ngược lại, một số nhà thầu do công nợ bị đọng quá lâu, đã tiến hành khởi kiện Ban Quản lý dự án 6 ra tòa. Cụ thể, vào đầu năm 2020, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã có bản án phúc thẩm buộc Ban Quản lý dự án 6 phải thanh toán cho nguyên đơn là Công ty Tây Bắc số tiền chưa thanh toán của Gói thầu số 3 là 6,4 tỷ đồng và số tiền xử lý sụt trượt năm 2011 là 747,621 triệu đồng.

Ngay sau khi Bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã có thông báo cưỡng chế thi hành án gửi Bộ GTVT (trong vai trò vừa là cơ quan chủ quản, vừa là cấp quyết định đầu tư), Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan thuế, hội sở các ngân hàng để thanh toán cho nhà thầu thắng kiện.

Cái khó của Ban Quản lý dự án 6 là họ chỉ là đơn vị đại diện chủ đầu tư, hưởng chi phí quản lý dự án để nuôi bộ máy. Từ nay đến hết năm 2022, Ban Quản lý dự án 6 chỉ còn hơn chục tỷ đồng để trả lương, chi phí vận hành của hơn 100 cán bộ, kỹ sư trong đơn vị. Trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự không siết được phần ngân sách bố trí cho Dự án đang nằm tại kho bạc, khả năng rất cao là đại diện chủ đầu tư sẽ bị cưỡng chế toàn bộ “nguồn sống” trong vài năm tới.

Liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Kiểm toán Nhà nước cho biết, chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 556. Cụ thể, tại phương án được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phần vốn 430 tỷ đồng được bố trí để hoàn thiện 24 km các đoạn xung yếu nhất đang thi công dang dở thuộc các gói thầu 5, 6, 7, 8, 9 (đoạn Km339 - Km368); 20 km còn lại sẽ được triển khai sau, khi cân đối được nguồn vốn. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, theo tổng mức đầu tư được lập, thẩm định và phê duyệt lại bao gồm cả gói thầu số 10 (Km368 - Km371) với giá trị 90,5 tỷ đồng.

Được biết, trong Thông báo số 868, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 báo cáo Bộ GTVT có phương án bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; xem xét sự cần thiết đầu tư 20 km còn lại của Dự án đoạn qua đèo Tây Côn Lĩnh.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng được yêu cầu chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân và các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định trong việc phát sinh nợ đọng giai đoạn 2008 - 2014 với số tiền là 163,3 tỷ đồng và không được nhà thầu bảo hiểm bồi thường khi xảy ra sụt trượt. Đồng thời, chủ đầu tư cũng phải phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh phê duyệt dự án không phù hợp với phương án sử dụng vốn đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Đề nghị Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 phải thực hiện nghiêm, kịp thời các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2021”, đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục