Ông Phạm Đức Hiệu, Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu vực các công trình giao thông vận tải (BQLDA) cho biết, Dự án Phát triển giao thông đô thị TP. Hải Phòng hiện đã bị WB đưa vào danh mục “các dự án có vấn đề”, bởi ách tắc trong giải ngân phần vốn đối ứng (kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng).
Theo đó, năm 2013 là 146 tỷ đồng/400 tỷ đồng; năm 2014, giải ngân 310 tỷ đồng/628 tỷ đồng và mới nhất, năm 2015, trong khi nhu cầu vốn đối ứng của dự án là hơn 900 tỷ đồng, nhưng chỉ được bố trí là 120 tỷ đồng, con số này chỉ đảm bảo được 13,3%.
Lũy kế đến nay, TP. Hải Phòng mới giải ngân được 938,87 tỷ đồng, tức là mới được 39,75% vốn đối ứng của Dự án. Việc vốn đối ứng dùng để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng không đảm bảo đã khiến tiến độ giải ngân phần vốn vay của Dự án cũng bị chậm theo.
Theo thống kê, cho tới thời điểm hiện tại, Dự án mới chỉ giải ngân được 35% vốn vay (61,9 triệu USD), trong khi chỉ còn khoảng 1 năm nữa là kết thúc Hiệp định vay vốn và theo quy định hiện hành của WB, tài khoản vay có thể sẽ bị đóng.
Sau chuyến công tác, kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án hồi cuối tháng 11/2015, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã kết luận: “Tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm, trong khi tất cả các gói thầu xây lắp đã được ký hợp đồng, phần mặt bằng được bàn giao chủ yếu vẫn là phần đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí cho công tác đền bù. Phần mặt bằng đã được giao là không đủ để các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án”.
Theo báo cáo của BQLDA, có nhiều khu vực đã được phê duyệt phương án đền bù, nhưng không có tiền để chi trả cho các hộ dân.
“Để hoàn thành Dự án đúng thời hạn là ngày 31/12/2016, thì ít nhất, đến ngày 30/6/2016 cần phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công, tương ứng với nó là khoản kinh phí 575 tỷ đồng từ nguồn với đối ứng”, ông Hiệu cho biết.
Liên quan đến nội dung này, tại buổi họp báo về kỳ họp thứ 13 HĐND khóa XIV, TP. Hải Phòng, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, Phó chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Bích cho biết: “Ngân sách Thành phố đang chịu sức ép rất lớn, nhưng đây là dự án có ý nghĩa xã hội quan trọng, nên chúng tôi đã đưa dự án này vào nhóm trọng điểm và tiếp tục ưu tiên phân bổ ngân sách”.
Những nỗ lực từ phía địa phương là rất rõ ràng, nhưng với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, để thực hiện toàn bộ việc giải phóng mặt bằng cho kịp tiến độ thực hiện và làm sao “kiếm” ra được 575 tỷ đồng vốn đối ứng, chắc hẳn sẽ là một việc không dễ làm đối với TP. Hải Phòng
Trong trường hợp đến ngày 31/12/2016, Dự án vẫn không thể hoàn thành và đề nghị gia hạn Hiệp định vay vốn không được WB chấp thuận, thì Hải Phòng sẽ phải tự mình thực hiện phần còn lại của Dự án.
Không tận dụng được nguồn vốn ODA đã là một lãng phí, nhưng nếu vì thiếu vốn mà để Dự án rơi vào tình trạng dở dang, sự lãng phí sẽ tăng lên nhiều lần khi hầu như toàn bộ khoản đầu tư bao gồm 676 tỷ đồng vốn đối ứng và 61,9 triệu USD vốn vay sẽ không thể phát huy hiệu quả.