Ô Môn III: PVN chưa cam kết tiến độ và hiệu quả
Ngày 29/5/2023, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, Chính phủ đã có chủ trương giao PVN tiếp nhận đầu tư 2 dự án nhiệt điện Ô Môn III và Ô Môn IV do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư, nhằm tháo gỡ các vướng mắc của chuỗi khí - điện lô B - Ô Môn.
Sau chỉ đạo này, PVN mới đây cũng có báo cáo cụ thể hơn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Nhà máy điện Ô Môn III được đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Do EVN đang gặp khó khăn, vướng mắc với khoản vay này, nên Dự án không đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu của chuỗi dự án.
Tuy nhiên, PVN cũng cho hay, ngay cả khi chuyển PVN là chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và dù PVN có năng lực tài chính tốt hơn, thì các vướng mắc về thủ tục khi sử dụng nguồn vốn ODA cũng cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ theo quy định. Hơn nữa, việc chuyển chủ đầu tư dự án sẽ cần thêm thời gian để thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật liên quan, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ.
“Nếu EVN không thể tiếp tục triển khai dự án, PVN sẽ tuân thủ theo chỉ đạo khi được Chính phủ giao trọng trách là chủ đầu tư dự án thay thế EVN. Tuy nhiên, khi chưa tiếp cận một cách tổng thể và chi tiết các thông tin, hồ sơ tài liệu liên quan đến Dự án Nhà máy điện Ô Môn III, PVN chưa thể cam kết về tiến độ và hiệu quả cho dự án này vào thời điểm hiện tại”, báo cáo của PVN cho biết.
Liên quan đến Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV, theo báo cáo của EVN tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 29/5/2023, EVN đang đối mặt với các khó khăn về tài chính khi không thể thu xếp nguồn vốn vay để triển khai dự án này. Do đó, tiến độ Dự án chắc chắn sẽ chậm và không đáp ứng được tiến độ dòng khí đầu tiên cập bờ.
Thực trạng này được PVN cho rằng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chuỗi dự án, không chỉ là nguy cơ chậm tiến độ, mà còn tác động tới điều kiện kỹ thuật, gây khó khăn cho quá trình phát triển mỏ và rất khó có thể thuyết phục các bên nước ngoài trong chuỗi dự án đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) tại thời điểm hiện nay.
Nhà máy điện Ô Môn IV đã sẵn sàng để đấu thầu EPC, nên PVN cho rằng, việc EVN có đủ năng lực và tiếp tục là chủ đầu tư, triển khai hai dự án này đáp ứng tiến độ là phương án tối ưu cho chuỗi dự án.
Thách thức với FID trong tháng 6/2023
PVN cho hay, Tập đoàn nhận thức được vai trò, trách nhiệm tổng thể trong việc triển khai chuỗi dự án khí - điện, cũng như chia sẻ với khó khăn hiện tại của EVN. Vì vậy, khi Chính phủ quyết định chuyển chủ đầu tư 2 dự án này từ EVN sang PVN, thì PVN sẵn sàng nghiên cứu tiếp nhận, triển khai các công việc tiếp theo để đáp ứng yêu cầu tổng thể của chuỗi dự án.
Dẫu vậy, PVN nhận thấy, khi tiếp nhận 2 dự án này, bên cạnh sự thuận lợi về tham gia triển khai đồng bộ cả chuỗi dự án, cũng sẽ có những khó khăn, vướng mắc, khó đáp ứng được yêu cầu và điều kiện FID của các bên nước ngoài trong tháng 6/2023, nhằm đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, do phát sinh những thủ tục chuyển chủ đầu tư theo các quy định của pháp luật liên quan.
Bởi vậy, để có cơ hội giữ mốc tiến độ FID vào cuối tháng 6/2023, làm cơ sở triển khai chuỗi dự án và có được dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, PVN đưa ra các điều kiện tối thiểu cụ thể. Đó là tháo gỡ ngay các vướng mắc như phê duyệt gia hạn các hợp đồng dầu khí (PSC) theo kiến nghị của PVN trước ngày 15/6/2023.
PVN cũng cho biết, vấn đề chuyển ngang cam kết khối lượng bao tiêu khí trong chuỗi dự án cần được Bộ Công thương giải quyết triệt để trong tháng 6/2023, làm cơ sở cho các bên có thể thực hiện được các cam kết tiêu thụ trong hợp đồng mua bán khí, hợp đồng mua bán điện trong chuỗi dự án.
Đồng thời, Tổng công ty Phát điện 2 cần ký hợp đồng bán khí (GSA) với PVN trước ngày 30/6/2023 để tiếp nhận khí cùng thời điểm dòng khí đầu tiên cập bờ vào cuối năm 2026.
Đối với việc cam kết khối lượng và tiến độ của các nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV, hiện có 2 vấn đề được PVN chỉ ra. Đó là các bên nước ngoài yêu cầu PVN ký cam kết trong trường hợp cơ sở pháp lý đối với chủ đầu tư cho nhà máy điện chưa hoàn thiện. Lúc này, PVN phải chịu toàn bộ rủi ro pháp lý và rủi ro tài chính, kinh tế, thương mại.
Ở trường hợp các bên nước ngoài cùng PVN có phương án giảm thiểu rủi ro, cũng như chia sẻ rủi ro giữa bên mua và bên bán trong các hợp đồng thương mại bằng cách cùng tham gia đầu tư vào dự án hạ nguồn, thì PVN chưa đánh giá cụ thể được và sẽ có báo cáo sau.
PVN mong muốn Chính phủ có Quyết định giao PVN là chủ đầu tư Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV trong đầu tháng 6/2023. Đồng thời, các bộ/ngành/địa phương có hướng dẫn, cũng như hỗ trợ về thủ tục, lộ trình cho công tác bàn giao dự án và EVN có trách nhiệm hỗ trợ phối hợp chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu thông tin về hai dự án này để PVN có căn cứ đánh giá, báo cáo và đề xuất các bước triển khai tiếp theo.
EVN đang gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho Dự án Nhà máy điện Ô Môn III. Đồng thời, khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV cũng khó khăn do đang thua lỗ lớn trong kinh doanh điện. Điều này khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của chuỗi dự án.
Các dự án này cũng phải đối mặt với thách thức về cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp trong khi giá thành sản xuất điện từ khí đang cao hơn giá bán điện của EVN cho nền kinh tế.