Nhiệt điện Ô Môn III nóng ruột chờ chủ trương đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Sau 2 năm thực hiện thẩm định, Dự án Nhiệt điện Ô Môn III vẫn chưa được phê duyệt chủ trương. Rất có thể, đơn vị đầu tư là doanh nghiệp nhà nước, nên có tình trạng “ngại” trách nhiệm.
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I trong Trung tâm Điện lực Ô Môn - nơi sẽ có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, III và IV được xây dựng. Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I trong Trung tâm Điện lực Ô Môn - nơi sẽ có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, III và IV được xây dựng.

Hai năm vẫn chưa có chủ trương đầu tư

Cuối tháng 7/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân tích cụ thể những ưu, nhược điểm, tính hiệu quả và khả thi của các phương án đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn III làm cơ sở để đánh giá, xem xét.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự án sau 2 năm thực hiện thẩm định vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do vướng mắc về cơ sở pháp lý quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%.

Lật lại tiến trình của dự án có thể thấy, các cơ quan quản lý không tìm được hướng đi và không giải quyết dứt điểm được tình huống.

Cụ thể, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III đã được Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2012. Theo đó, EVN là chủ đầu tư, đồng thời là chủ thể Hợp đồng vay lại vốn ODA, ký với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA).

Tháng 3/2013, Việt Nam và Nhật Bản ký Công hàm cam kết cấp khoản vay vốn đầu tiên cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 với giá trị 27,901 tỷ yên. Hiệp định vay vốn của JICA sẽ được các bên ký kết khi có kết quả đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán khí.

Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước để thẩm định Dự án.

Ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công có hiệu lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng áp dụng các quy định của Luật Đầu tư công để thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án này.

Nhưng điểm mấu chốt của tiến trình triển khai Dự án là thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư thì không biết thuộc về cấp nào phê chuẩn.

Tháng 12/2020, Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận, việc sử dụng vốn vay ODA cho doanh nghiệp vay lại 100% đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành nghị quyết để giải thích vấn đề này.

Bởi vậy, ngày 25/3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp toàn bộ hồ sơ Dự án.

Ngày 23/4/2021, EVN đã đề xuất chuyển từ phương án vay vốn ODA của JICA sang sử dụng nguồn vốn vay thương mại trong và ngoài nước để triển khai Dự án Nhiệt điện Ô Môn III.

Đề nghị này đã được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh giao các bộ, ngành nghiên cứu và có ý kiến.

Vẫn tơ vò

Cho tới nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhận được ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan ủng hộ việc sớm có biện pháp, phương án tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Nhiệt điện Ô Môn III, nhưng tất cả vẫn là chờ một đường đi cụ thể cho dự án này.

Theo Bộ Tư pháp, trường hợp cơ quan thẩm quyền chấp nhận đề xuất của EVN thì phải xác định rõ phương án chấm dứt sử dụng vốn ODA Nhật Bản hay chuyển nguồn vốn này sang dự án khác và sớm trao đổi chính thức với Nhật Bản để tránh ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, về mặt pháp lý, EVN có quyền vay từ các tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu vốn của mình, nhưng cần phải kiểm tra các vấn đề liên quan đến hạn mức vay thương mại để đảm bảo tính khả thi của đề xuất vay vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trường hợp chủ đầu tư không tiếp tục sử dụng vốn vay ưu đãi của Nhật Bản và chuyển sang vốn vay thương mại trong và ngoài nước, thì cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp không sử dụng vốn ODA nêu trên, phía Việt Nam cần thông báo chính thức cho phía Nhật Bản về việc dừng Công hàm về khoản vay và phải đưa ra lý do thỏa đáng.

Về phía mình, Bộ Tài chính cho hay, do Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các chương trình, dự án theo cơ chế doanh nghiệp vay lại 100% vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nên Thủ tướng đã giao cơ quan hữu trách soạn thảo Nghị định sửa đổi, trong đó có quy định cụ thể về cơ chế cho doanh nghiệp vay lại 100% vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Do vậy, sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2020/NĐ-CP được phê duyệt, thì việc thực hiện dự án như Nhiệt điện Ô Môn III có thể thực hiện theo quy định mới.

Trường hợp EVN muốn dùng vốn vay thương mại, tuy không có ý kiến phản đối, nhưng Bộ Tài chính cũng đề nghị EVN phải bổ sung đánh giá toàn diện tính khả thi và hiệu quả của dự án cũng như tài chính của EVN, tránh làm tăng chi phí đầu tư, tác động đến giá bán điện của dự án, đồng thời đảm bảo tiến độ vận hành dự án, làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với tư cách là đơn vị quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng Thành viên EVN tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trong đó lưu ý ý kiến về xem xét, đánh giá kỹ đề xuất chuyển từ sử dụng vay vốn ODA của Nhật Bản sang vay vốn thương mại để không ảnh hưởng quan hệ ngoại giao. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất chi tiết các phương án phù hợp để triển khai dự án, trong đó phân tích cụ thể ưu điểm, nhược điểm, tính hiệu quả, tính khả thi của từng phương án để làm cơ sở đánh giá, xem xét cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư dự án.

Lẽ dĩ nhiên, với hướng này, hình thức đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cũng sẽ phải cần thêm thời gian nữa, cho dù Dự án Khai thác khí và đường ống lô B - Ô Môn có nóng ruột đến cỡ nào.

Tháng 7/2020, các đối tác nước ngoài trong Dự án Khai thác khí và đường ống lô B - Ô Môn, gồm Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) đến từ Nhật Bản và PTT Exploration and Production Public Company Limited (PTTEP) đến từ Thái Lan đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lo ngại rằng, việc chậm phê duyệt dự án điện trên bờ có thể khiến Chuỗi dự án khí lô B gặp trở ngại lớn và tiếp tục làm chậm quyết định đầu tư cuối cùng. Kéo theo đó, mục tiêu dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023 có thể bị trượt tiến độ.

Tiếp đó, tháng 9/2020, các đối tác nước ngoài này tiếp tục gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ và cho biết, thời điểm có dòng khí đầu tiên sớm nhất của Chuỗi dự án khí lô B sẽ là tháng 9/2024, thay vì cuối năm 2023 như dự tính trước đó.

Theo MOECO và PTTEP, do chậm trễ trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, nên mục tiêu của Dự án có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong năm 2020 và dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023 không còn khả thi.

Ngay cả mục tiêu có dòng khí đầu tiên của Chuỗi dự án khí lô B vào tháng 9/2024 cũng kèm theo điều kiện là FID không muộn hơn tháng 3/2021.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục