Dự án khơi thông sông Cổ Cò chật vật tiến độ

Thiếu quỹ đất tái định cư, thiếu mặt bằng thi công, Dự án khơi thông sông Cổ Cò, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam đang chật vật chạy tiến độ.
Dự án khơi thông sông Cổ Cò đang được TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ.

Thiếu đất tái định cư

Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam dài 14 km, trong đó đoạn qua địa phận TP. Hội An dài 9,5 km và thị xã Điện Bàn dài 4,5 km. Khởi công từ tháng 7/2020, dự kiến đến tháng 7/2022 sẽ hoàn thành, kết nối dòng chảy vào địa phận TP. Đà Nẵng, khơi lại dòng sông Cổ Cò xưa kia.

Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp không ít trở ngại, bởi hiện nay, dự án nạo vét sông Cổ Cò ở Quảng Nam không chỉ vướng mặt bằng đất nông nghiệp dưới lòng sông, lồng bè nuôi tôm, mà còn thiếu đất tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng.

Ông Phạm Quang Vinh (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) cho biết, gia đình ông thuộc diện giải tỏa trắng để xây dựng cầu Nghĩa Tự qua sông Cổ Cò. Vì nhà xuống cấp, ông đã làm đơn xin được giải tỏa trước, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. “Chính quyền đã xuống kiểm kê, đo diện tích, hẹn tháng 3/2022 sẽ tiến hành giải tỏa nhưng chưa biết có được không”, ông Vinh chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hạng mục cầu Nghĩa Tự chưa thể thi công do thiếu đất tái định cư cho người dân, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng tình bàn giao mặt bằng.

Tỉnh Quảng Nam đang rất quyết liệt để thúc tiến độ dự án khơi thông dòng Cổ Cò, dẫu vậy, nếu nút thắt về mặt bằng chưa được tháo thì khó để chạy đua tiến độ cho dự án trọng điểm này.

Là dự án trọng điểm nên việc nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò nhận được sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, việc vướng giải tỏa mặt bằng khiến dự án này khó có thể đẩy nhanh tiến độ. Điều đó khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sốt ruột.

Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chính quyền TP. Hội An và thị xã Điện Bàn ký cam kết về tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng thi công nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.

Theo đó, TP. Hội An phải bàn giao mặt bằng các vị trí còn vướng mắc trong phạm vi tuyến luồng và mặt bằng thi công cầu Ông Điền đầu năm 2022. Đoạn qua thị xã Điện Bàn, với hạng mục nạo vét luồng, phải hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với các thửa trong phạm vi bãi chứa B4; đến tháng 4/2022, bàn giao mặt bằng các vị trí còn vướng từ giáp ranh Hội An đến cầu Ông Tú (km14+000).

Về hạng mục cầu, đến hết tháng 3/2022, bàn giao xong toàn bộ mặt bằng cầu Ông Điền và bàn giao xong mặt bằng phần cầu Nghĩa Tự (mố và trụ cầu), đến cuối tháng 12/2022 phải bàn giao xong phần đường dẫn vào cầu này.

Quyết khơi dòng

Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa phận Quảng Nam chia thành 2 đoạn với tổng kinh phí 1.545 tỷ đồng. Trong đó, đoạn 1 bắt đầu từ Cửa Đại (Hội An) ra phường Điện Dương (Điện Bàn) gồm nạo vét luồng, xây dựng cầu qua sông là cầu Ông Điền và cầu Nghĩa Tự.

Đoạn 2 từ phường Điện Dương đến phường Điện Ngọc, giáp ranh với Đà Nẵng gồm nạo vét luồng sông và xây dựng cầu Viêm Minh qua sông. Với nhiều hạng mục khác nhau, phải đua tốc độ thì dự án trọng điểm này của tỉnh Quảng Nam mới có thể về đích. Tuy nhiên, rất khó để đẩy nhanh tiến độ khi gặp vướng mắc về mặt bằng và đất tái định cư.

Sau khi Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Nam yêu cầu cam kết về tiến độ, TP. Hội An và thị xã Điện Bàn đã chạy nước rút để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đã làm việc ngày đêm, tổ chức đối thoại và vận động người dân để có mặt bằng sạch.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã giải phóng xong mặt bằng tại cầu Ông Điền. Tại cầu Nghĩa Tự vẫn còn các hộ dân chưa đồng ý bàn giao. Điểm khó nhất hiện nay là đất tái định cư cho người dân. Tái định cư tại cầu Nghĩa Tự giai đoạn I đã hoàn thành, thị xã đang tập trung để chuẩn bị đầu tư giai đoạn II, dự kiến cuối năm nay hoàn thành. Dự án có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển, vì vậy, bên cạnh vận động, đối thoại với người dân, chúng tôi củng cố hồ sơ pháp lý và sẽ thực hiện phương án bảo vệ thi công, đảm bảo có mặt bằng cho Dự án”, ông Hiếu chia sẻ.

Thực trạng thiếu đất tái định cư là bất cập của thị xã Điện Bàn, hiện địa phương này đã và đang triển khai xây dựng rất nhiều dự án đô thị, song nhiều dự án giao nhà đầu tư nhưng chỉ với mục đích phân lô bán nền, trong khi đất để tái định cư cho chính các dự án đó thì không có.

Để giải quyết tái định cư cho Dự án, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt điều chỉnh tổng thể và ban hành quy định quản lý xây dựng kèm theo quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị R.O.S.E. ĐÔ (phường Điện Dương, Điện Bàn). Tổng quy mô ranh giới đồ án quy hoạch này hơn 26,9 ha.

Trong đó phạm vi chủ đầu tư thực hiện Dự án khoảng 22 ha, phạm vi chỉnh trang khu dân cư hiện trạng khoảng 2,4 ha. Còn lại, phạm vi UBND thị xã Điện Bàn thực hiện dự án đầu tư công để bố trí tái định cư cho dự án cầu Nghĩa Tự khoảng 2 ha.

Trong khi đó, trên địa bàn TP. Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công dự án.

Trong buổi kiểm tra Dự án mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu các địa phương phải quyết liệt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho cả dự án, đặc biệt phải có mặt bằng để thi công cầu Nghĩa Tự vào cuối tháng 3/2022.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục