Đà Nẵng thúc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành dự án khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận của thành phố trong năm 2020.
Sông Cổ Cò đoạn qua địa phận TP. Đà Nẵng. Sông Cổ Cò đoạn qua địa phận TP. Đà Nẵng.

Trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan về dự án sông Cổ Cò, Phó chủ tịch Lê Trung Chinh yêu cầu cần khẩn trương hoàn thành dự án này, bởi đây là công trình trọng điểm của thành phố. Ông Chinh chỉ đạo phần việc nào xong trước thì làm trước, không nhất thiết phải chờ tổng thể nhằm để rút ngắn thời gian; khi thiết kế cảnh quan 2 bên bờ sông, Viện Quy hoạch cần lấy ý kiến các sở ngành để đảm bảo phát triển dự án đồng bộ với các hoạt động du lịch.

Riêng phần bờ kè đi qua 3 dự án của FPT, Phú Mỹ An, dự án Dầu khí, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng phải có văn bản hối thúc các chủ đầu tư dự án đô thị này triển khai bờ kè sông Cổ Cò qua phần dự án của mình đúng với thiết kế chung. Thời gian triển khai bờ kè cũng phải được công khai cụ thể, tránh tình trạng thành phố triển khai xong bờ kè, nhưng phần qua các dự án chậm trễ; thậm chí phân lô bán nền xong dự án thì chây ì, không thực hiện.

“Phải rút ngắn thời gian, thủ tục không để chậm tiến độ dự án, song phải đảm bảo đúng quy định. Nếu thiếu sót thủ tục phải làm lại, chậm trễ sẽ kéo dài qua năm 2020 đồng nghĩa với nguồn vốn bố trí từ Trung ương sẽ trôi qua”, ông Chinh chỉ đạo.

Đà Nẵng thúc tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò ảnh 1

Sông Cổ Cò đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam vẫn tắc.

Theo ông Huỳnh Đắc Đạt, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, tổng vốn dự án khơi thông sông Cổ Cò qua địa bàn Đà Nẵng là 486 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn bố trí năm 2020 là 176 tỷ đồng (30 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố).

Ông Đạt  cho biết tiến độ dự án hoàn toàn đảm bảo, công trình không thể chậm trễ được bởi lẽ toàn bộ các khâu khó khăn như quy hoạch chi tiết 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường (phải thống nhất 2 địa phương) đều đã xong. Hiện Ban quản lý đang phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch để thiết kế cảnh quan hai bên sông Cổ Cò. Viện Quy hoạch đã trình Sở Xây dựng thẩm định để sớm trình Thành phố. Đến tháng 9/2020 sẽ khởi công công trình.

Đối với những lo ngại về xâm nhập mặn xảy ra khi triển khai dự án, ông Đạt cho hay, 2 năm trước Ban quản lý đã lập hồ sơ, tổng khối lượng tháo dỡ 1,7 tỷ đồng để tháo dỡ đập Bờ Quang. Tuy nhiên phía quận Ngũ Hành Sơn có ý kiến chưa nên tháo dỡ vì dân nuôi cá tự phát bên trong. Năm nay quận Ngũ Hành Sơn sẽ cấm không cho nuôi cá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) trước đây của Đà Nẵng thì việc tháo đập Bờ Quang, Đồng Nò thông tới Quảng Nam sẽ không ảnh hưởng xâm nhập mặn lên nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuy nhiên, DTM phía Quảng Nam lại cho rằng có tác động xâm nhập mặn lên sông Cầu Đỏ, do vậy trong giai đoạn đầu triển khai dự án này chưa đề cập tới việc tháo dỡ đập ngăn mặn tại Điện Dương. Như vậy, nếu Đà Nẵng dỡ các đập nhưng phía Quảng Nam chưa dỡ đập thì việc khơi thông cũng chưa hiệu quả.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục