Dự án Gang thép Thái Nguyên: Nhà thầu Trung Quốc vô lý, TISCO gánh nợ như nào?

(ĐTCK) Mặc dù chưa hoàn thành nhưng dự án Gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2 bị đội vốn gấp 2 lần so với phê duyệt ban đầu, từ gần 4.000 tỷ đồng lên hơn 8.000 tỷ đồng.
Ảnh Internet

Vi phạm vẫn đòi tăng giá

Dự án này có nhiều gói thầu. Riêng gói thầu dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá có tổng giá trị 2.588 tỷ đồng. HĐQT Tổng công ty Thép – VNS là cấp quyết định đầu tư, giao CTCP Gang thép Thái Nguyên - TISCO làm chủ đầu tư.

Với gói thầu này, TISCO đã tổ chức đấu thầu quốc tế. Năm 2007, TISCO và nhà thầu Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc - MCC ký hợp đồng trọn gói EPC số 01 trị giá 160,8 triệu USD. TISCO đã ứng trước 35,6 triệu USD.

Quá trình thực hiện hợp đồng, MCC xảy ra hàng loạt vi phạm, như chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục; không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị; không triển khai thi công các hạng mục.

MCC rút hết người về nước và nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Đồng thời yêu cầu tăng giá trị hợp đồng thêm 138 triệu USD gồm chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và biến động tỷ giá với lý do giá cả thị trường thế giới biến động tăng giá bất thường không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng.

Mặc dù biết rõ việc nhà thầu vi phạm nhưng dàn lãnh đạo, cán bộ thuộc TISCO và VNS không chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, phạt hợp đồng mà còn thực hiện hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước.

Tạo điều kiện cho nhà thầu chối bỏ trách nhiệm

Theo cáo trạng, năm 2008, ông Trần Trọng Mừng (Tổng giám đốc TISCO) gửi văn bản đề nghị Bộ Công thương và VNS xem xét tăng giá trị hợp đồng, tăng thêm 138 triệu USD. Các cơ quan ban ngành có ý kiến cụ thể.

Ngày 1/10/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản nêu: “Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh chưa có mà chỉ căn cứ theo đề xuất tạm tính của nhà thầu là không có căn cứ”.

TISCO còn tìm đến tư vấn của hãng luật nước ngoài nhưng các bị can không thực hiện, tiếp tục chỉ đạo, bàn bạc, trao đổi, đề xuất, thống nhất để ký các văn bản đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chi phí hợp đồng.

Năm 2009, Bộ Công thương thông báo kết luận nội dung “về nguyên tắc, đây là hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh giá… Chủ đầu tư hỗ trợ MCC tìm kiếm nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công tác xây lắp”.

Cáo buộc cho rằng, TISCO chỉ dựa vào văn bản trên, không tiến hành thẩm định, không dựa vào căn cứ pháp lý nhưng vẫn lựa chọn Tổng công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam - Vinainco làm nhà thầu phụ.

Sau khi đàm phán và trình VNS, ngày 30/9/2009, ông Trần Văn Khâm (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TISCO) đã ký hợp đồng thầu phụ với Vinaicon và MCC, điều chỉnh hợp đồng EPC theo đơn giá.

Cơ quan tố tụng xác định việc TISCO, VNS tách hợp đồng EPC số 01 “làm phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng, dẫn đến điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư”.

Do Vinaico không đủ năng lực thực hiện nên TISCO đã phải ký tiếp với 13 nhà thầu phụ khác để thực hiện hợp đồng trên nhưng vẫn không thể hoàn thành công việc. Dự án bị dừng thực hiện.

Mặc dù hợp đồng dở dang, chưa hoàn thành nhưng TISCO đã phải thanh toán 877 tỷ đồng.

Tổng cộng tính đến ngày 31/12/2018, TISCO đã chi 4.423 tỷ đồng thực hiện dự án. Vốn chủ đầu tư là 1.335 tỷ đồng, vay Ngân hàng VDB là 1.404 tỷ đồng, Vietinbank Hà Nội là 1.684 tỷ đồng. TISCO đã trả lãi cho các ngân hàng là 830 tỷ đồng.

Theo Viện KSND, TISCO tách hợp đồng, trực tiếp nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu phụ gây bất lợi cho TISCO, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm.

Do điều chỉnh hợp đồng dẫn đến tăng chi phí đầu tư, lãi vay, VNS và TISCO điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 3.834 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.

Trong vụ án này các đơn vị định giá đã từ chối định giá với các tài sản của dự án gồm 42 xe ô tô và 5 đầu máy Diesel các loại do không đủ cơ sở, căn cứ, thông tin và điều kiện để định giá.

Cơ quan tố tụng xác định hậu quả vụ án là số tiền lãi suất thực tế mà TISCO phải trả cho ngân hàng khi dự án bị chậm tiến độ từ năm 2011 đến năm 2019 là 830 tỷ đồng. Có tổng cộng 19 bị can thuộc các cựu lãnh đạo của VNS, TISCO… bị truy tố về các tội danh khác nhau.

Quá trình điều tra, truy tố các bị can đều khai nhận hành vi phạm tội.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục