Liên quan đến vụ án này, tòa sơ thẩm xác định các bị cáo vi phạm quy định đấu thầu, chỉ định thầu cho liên danh PVC - Alpha Laval - Delta V không đủ năng lực, dẫn đến dự án chậm tiến độ, nhà nước thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch HĐQT của PVN lĩnh án 11 năm tù, bồi thường 200 tỷ đồng.
Các bị cáo thuộc PVC, PVB lĩnh án từ 24 tháng tù - 6 năm 6 tháng tù. Bị cáo Vũ Thanh Hà phải bồi thường 100 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại mỗi người phải bồi thường 10 tỷ đồng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng giám đốc PVB) đề nghị tòa án đánh giá đúng mức độ, vai trò của bị cáo.
Luật sư cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Hà 6 năm 6 tháng tù là quá nghiêm khắc. Bị cáo có vai trò thụ động, bắt buộc thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn PVN. Ngoài ra, bị cáo không có lỗi trong việc gây thiệt hại cho PVB. Nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị dừng lại là có sai phạm của chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và lỗi khách quan do biến động giá trên thị trường.
“Án sơ thẩm xác định lỗi của bị cáo tương đương 100 tỷ đồng (18% trong tổng thiệt hại) nhưng không có văn bản nào tính toán cụ thể số tiền này. Việc viện dẫn pháp luật dân sự, xác định yếu tố lỗi để buộc bị cáo chịu trách nhiệm bằng tiền là không có căn cứ pháp luật”, luật sư cho biết thêm.
Luật sư cũng cho rằng, bị cáo Hà có văn bản phản đối việc thay đổi, tăng giá hợp đồng nhưng không được PVN, PVB chấp thuận. Bị cáo chính thức nghỉ việc tại PVB từ ngày 15/6/2009. Bị cáo không chịu bất cứ trách nhiệm gì về sai phạm sau này.
Bị cáo Phạm Xuân Diệu, cựu Tổng giám đốc PVC cho rằng, án sơ thẩm tuyên bị cáo 3 năm 6 tháng tù là quá nặng. Bị cáo xin được hưởng án treo. Bị cáo không có mục đích tư lợi và không gây thiệt hại.
Trong đơn kháng cáo bị cáo viết: “Chỉ vì chấp hành đường lối cấp trên và của tập thể mà bị cáo rơi vào vòng lao lý”.
Bị xử phạt mức án 30 tháng tù, bị cáo Hoàng Đình Tâm - cựu Kế toán trưởng PVB cũng cho rằng, các bị cáo chỉ có mong muốn dự án thực hiện đúng tiến độ. Bị cáo không tư lợi.
Bị cáo trình bày lý do kháng cáo. |
Bào chữa cho bị cáo Khương Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thương mại, PVB), luật sư cho rằng tòa án sơ thẩm không xem xét đến trách nhiệm của Ngân hàng Seabank và PVcombank.
“Khi dự án bị dừng thi công từ năm 2015 nhưng đến năm 2018 ngân hàng không có động thái thu hồi công nợ, phát mại tài sản. Tại tòa sơ thẩm, bị cáo Tuấn cho rằng lỗi kéo dài thời gian dự án là trách nhiệm của ngân hàng. Cơ quan giám định nêu trách nhiệm liên đới của Seabank và PVCombank cần được trưng cầu giám định của Ngân hàng Nhà nước nhưng tòa sơ thẩm không xem xét. Tòa tuyên buộc bị cáo bồi thường 10 tỷ đồng là không có cơ sở”, luật sư phân tích.
Bổ sung thêm phần trình bày, bị cáo Tuấn cho rằng, PVB là chủ đầu tư, phê duyệt chỉ định thầu, vừa được bồi thường là không đúng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Thái - cựu Trưởng phòng kinh doanh PVB nêu các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như bị cáo có nhiều thành tích công tác, giúp cơ quan công an kết thúc nhanh vụ án. Bị cáo chỉ có vai trò mờ nhạt trong vụ án.
Tại dự án này, chủ đầu tư đã sử dụng 1.467 tỷ đồng, vay của 2 ngân hàng Seabank và PVcombank số tiền 754 tỷ đồng. PVB đã trả lãi vay 125 tỷ đồng, số nợ lãi còn lại là 417 tỷ đồng. Vì ngân hàng không miễn giảm nợ lãi và gốc, nên số tiền thiệt hại được xác định là toàn bộ số tiền lãi phát sinh mà PVB đã trả và số tiền nghĩa vụ phải trả, tổng cộng là 543 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cho rằng, quan hệ tín dụng giữa PVB và Seabank, PVCombank có nhiều nội dung khác nhau, quá trình giải quyết còn liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo. HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án này. Các bên tự giải quyết và có quyền khởi kiện bằng vụ án dân khác khi có yêu cầu.