Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa: Xoay hướng bất thành

Việc hoàn thiện, đưa vào khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ phải quay lại phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước sau khi thất bại với phương án BOT.
Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác. Ảnh: Anh Minh Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác. Ảnh: Anh Minh

Thất bại với phương án BOT

Số phận truân chuyên của Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa lại thuộc quyền quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Đầu tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5112/VPCP - CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc dừng triển khai đầu tư Dự án theo hình thức BOT.

Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc dừng triển khai Dự án theo hình thức hợp đồng BOT; chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để thu xếp nguồn vốn, thực hiện đầu tư theo đúng quy định.

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT thể khép các thủ tục dừng triển khai Dự án theo hình thức BOT và khởi động tìm nguồn vốn ngân sách để hoàn thiện toàn bộ tuyến đường”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.

Trước đó, sau 3 năm nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa, cuối tháng 3/2019, Bộ GTVT đã có Công văn số 2900/BGTVT - ĐTCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai Dự án theo hình thức BOT. “Phương án tài chính Dự án không khả thi để có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Chính thức triển khai thi công từ quý IV/2009, nhưng đến năm 2011, Dự án buộc phải dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ - CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Về tổng thể, Dự án mới hoàn thiện 10/83 km, 73 km còn lại mới xong nền đường, nên chưa thể đưa vào khai thác. Đại diện chủ đầu tư Dự án quan ngại, nếu không được triển khai đầu tư hoàn chỉnh, ngoài việc lãng phí hàng ngàn tỷ đồng đã đầu tư, các cấu kiện bê tông cốt thép, nền đường sẽ hư hỏng nặng sau 7 năm đình hoãn.

Sử dụng vốn ngân sách

Để tránh lãng phí, tháng 6/2015, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng đã cho phép bộ này được chuyển đổi hình thức đầu tư các hạng mục còn lại của Dự án theo hình thức BOT.

Năm 2016, Bộ GTVT đã phê duyệt đề xuất dự án đầu tư theo hình thức BOT đối với các hạng mục còn lại của tuyến Chơn Thành - Đức Hòa đã bị tạm đình hoãn, giãn tiến độ cách đó 5 năm, trong đó đề xuất hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt (thu phí hở). Hình thức thu phí dịch vụ này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn, nhưng vẫn phải trả phí). Bên cạnh đó, để hoàn vốn Dự án, sẽ cần tới 2 trạm thu phí, nên dễ dẫn tới nguy cơ vấp phải phản ứng của các chủ phương tiện và người dân địa phương.

Đó là lý do khiến Bộ GTVT đã phải xin Thủ tướng tiếp tục nghiên cứu triển khai hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa theo quy mô cao tốc 4 làn xe và áp dụng hình thức thu giá dịch vụ theo km để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.

Kết quả nghiên cứu tiền khả thi được tư vấn công bố tháng 6/2018 cho thấy, để hoàn thiện, nâng cấp tuyến Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài 73,55 km đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng mặt đường 17 m, hệ thống hầm chui, cầu vượt..., cần tối thiểu 6.964 tỷ đồng. Với mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ khởi điểm là 1.900 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian hoàn vốn Dự án dự kiến là 24 năm 3 tháng.

Để đảm bảo tính khả thi tài chính, Bộ GTVT buộc phải đẩy mức phí sử dụng đường bộ  khởi điểm tại Dự án lên tới 2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/km (cao hơn 600 đồng/km so với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông), nhưng thời gian hoàn vốn vẫn kéo dài tới 32 năm. “Mức phí này vượt quá sức chi trả của người dân, trong khi thời gian hoàn vốn cũng quá dài, rất khó thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào”, ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Đức Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép dừng triển khai Dự án theo hình thức hợp đồng BOT là có cơ sở. Đề xuất tiếp tục đầu tư Dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước như kiến nghị của Bộ GTVT chỉ được xem xét trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí sử dụng nguồn vốn đầu tư công, khả năng cân đối vốn của ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.

Theo tính toán của Bộ GTVT, hiện Dự án không có nợ đọng xây dựng cơ bản, nên nếu được đầu tư thêm khoảng 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách, công trình sẽ được hoàn thiện theo đúng quy mô được phê duyệt năm 1997. Đại diện Bộ GTVT cho biết, gần như không có hy vọng nhận được vốn trong vòng 2 năm tới, nên Dự án sẽ được đề xuất đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục