Dự án điện triển khai quá chậm vì…đuối!

(ĐTCK-online) Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (với công suất 300 MW) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư và Tổng công ty Lắp máy (Lilama) là tổng thầu “EPC - chìa khoá trao tay” theo hợp đồng sẽ phải bàn giao vào tháng 6/2006, nhưng tới thời điểm này, nhà máy vẫn ở trong tình trạng lên lưới phập phù và chưa thể bàn giao cho chủ đầu tư.
Tình trạng thiếu công nhân có tay nghề xảy ra khá phổ biến ở nhiều dự án thuỷ điện và nhiệt điện. Tình trạng thiếu công nhân có tay nghề xảy ra khá phổ biến ở nhiều dự án thuỷ điện và nhiệt điện.

Thế nhưng khi nói đến chuyện phạt vì chậm tiến độ thì chủ đầu tư dự án lại tỏ ra chẳng mấy mặn mà.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, cùng lắm thì cũng chỉ phạt được 10% giá trị hợp đồng, nhưng bây giờ mục tiêu đầu tiên của cả đôi bên là làm sao để nhà máy chạy “ngon”, có điện phát lên lưới hết công suất rồi, sau đó mới... tính chuyện thưởng phạt. Đây có vẻ như là trường hợp ngoại lệ, bởi Dự án Nhà máy Thuỷ điện Đại Ninh cũng có công suất cỡ 300 MW đang được nhà thầu Nhật Bản đôn đốc triển khai hết tốc lực để về đúng tiến độ, vì nếu chậm bàn giao, tiền phạt có thể lên tới vài chục nghìn USD mỗi ngày.

Trên thực tế, với sự bùng nổ về nhu cầu đầu tư các dự án điện thời gian qua, các nhà thầu xây dựng chuyên ngành nguồn điện đang bị quá tải do nhận cùng một lúc nhiều công trình, chưa kể các công trình do chính họ làm chủ đầu tư. Vì vậy, nhiều nhà thầu tuy năng lực không mạnh, nhưng cũng không chịu “kém phần” trong các dự án. Hậu quả là, lực lượng thi công bị dàn mỏng ở nhiều dự án, nên thiếu nhân lực, vật tư, thiết bị thi công như đã cam kết. Ban điều hành tổng thầu và các nhà thầu chưa được phát huy đầy đủ vai trò của mình, tỏ ra thiếu kinh nghiệm, chưa chuyên nghiệp, rồi việc chỉ đạo phối hợp thi công giữa các đơn vị chưa có hiệu quả cao, chưa điều chỉnh được tiến độ cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều nhà thầu chỉ đáp ứng được khoảng 50% lực lượng thi công theo yêu cầu, nhiều thiết bị thi công quá cũ không đảm bảo công suất, bị hỏng hóc liên tục (nhất là các trạm trộn bê tông và cần cẩu), thiếu trầm trọng công nhân có tay nghề, không đủ để làm 3 ca... nên gần như các dự án điện mà EVN là chủ đầu tư đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Thậm chí, nếu trước đây có hiện tượng nhà thầu “cố sống, cố chết” để có công trình thì khi công trình đã nằm trong tay, doanh nghiệp được cổ phần hoá, hoạt động phải lấy mục tiêu lợi nhuận nên tổng thầu cũng không dễ diều hành công trường như trước. Cũng bởi tổng thầu và nhà thầu trong nước không bị sức ép về tiến độ, chất lượng căng thẳng như khi làm thầu phụ cho nước ngoài và còn bởi chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm làm tổng thầu nên tiếp tục gặp khó khăn ở nhiều khâu.

Đơn cử như vấn đề mua sắm thiết bị cho các công trình điện. Theo đánh giá của EVN, các nhà thầu cung cấp thiết bị của Trung Quốc đang chiếm ưu thế tại các dự án với giá rẻ, chấp nhận tất cả yêu cầu về chất lượng, tiến độ, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng đã có một số vướng mắc như cung cấp bản vẽ công nghệ chậm nên tư vấn trong nước không thể đưa ra bản vẽ thi công; cung cấp các chi tiết đặt sẵn chậm khiến tiến độ thi công bê tông bị chậm. Tại một số dự án việc cấp thiết bị vừa chậm, lại thiếu đồng bộ, chất lượng hàng không đảm bảo; chuyên gia hướng dẫn lắp đặt thường đến công trường chậm và nghỉ các ngày Lễ, Tết rất dài (ở các dự án thuỷ điện Quảng Trị, Sông Ba Hạ, Tuyên Quang, nhiệt điện Uông Bí...). Song cũng bởi không ít nhà thầu và tổ hợp nhà thầu của nhiều công trình điện đang xây dựng lại do EVN đề xuất, nên mức độ quyết liệt buộc các nhà thầu có được những biện pháp thi công tốt hơn cũng không dễ dàng.

Theo giải trình mới đây của EVN về các biện pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ, EVN đã chỉ đạo các ban quản lý dự án cùng với các cơ quan tư vấn lập tổng tiến độ, tiến độ thi công hàng năm cho từng dự án, thỏa thuận với các nhà thầu và trình EVN phê duyệt vào quý IV hàng năm. Trên cơ sở đó, các ban quản lý dự án cùng với các đơn vị tham gia thi công lập tiến độ hàng tháng, hàng tuần làm cơ sở quản lý và điều hành. Mỗi dự án đều có các mục tiêu tiến độ quan trọng cho từng giai đoạn (ngăn sông, chống lũ, tích nước hồ, lắp đặt thiết bị...) và có các điều kiện, biện pháp thi công kèm theo (về thiết kế, giải phóng mặt bằng, vật tư, thiết bị, xe máy thi công, nhân lực, xây dựng lán trại, phụ trợ, các vấn đề về nghiệm thu thanh toán và giải ngân... và thông thường yêu cầu nhà thầu thi công 3 ca liên tục). Song chậm tiến độ vẫn là tình trạng phổ biến trên các công trình.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, ngoài việc cam kết hàng tháng, lãnh đạo EVN sẽ đi kiểm tra tình hình thi công các dự án và đảm bảo giải quyết các vướng mắc (thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư) trong vòng 15 ngày; sẽ bố trí đủ vốn để thanh toán hết các khối lượng công việc có đầy đủ hồ sơ nghiệm thu hoàn thành. Tuy nhiên, EVN lại vẫn phải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình nguồn điện bổ sung nhân lực, thiết bị thi công và điều hành thi công hợp lý để đảm bảo  mục tiêu phát điện của các dự án.

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục