Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh: Đấu thầu chọn nhà đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00

Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh đúng quy định.

Các dự án điện LNG được bổ sung vào quy hoạch điện đa phần đều ở miền Trung và miền Nam. Trong ảnh: Điện khí Cà Mau. Các dự án điện LNG được bổ sung vào quy hoạch điện đa phần đều ở miền Trung và miền Nam. Trong ảnh: Điện khí Cà Mau.

Giá điện 8,75 UScent/kWh

Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương tại Văn bản 7761/BCT-ĐL ngày 13/10/2020 về việc bổ sung Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh có quy mô 1.500 MW vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia với tiến độ vận hành là năm 2026-2027. Bộ này cũng được giao chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung thẩm định đảm bảo đúng quy định, nhất là các nội dung về sự cần thiết bổ sung quy hoạch, sự phù hợp về đất đai sử dụng và hiệu quả kinh tế chung.

Theo tính toán của Bộ Công thương, thời gian qua, các dự án điện LNG được bổ sung vào quy hoạch điện đa phần đều ở miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, một số dự án điện đã được lên kế hoạch ở khu vực miền Bắc đang không được triển khai như dự tính. Vì vậy, việc bổ sung dự án LNG ở miền Bắc được cho là giúp cấp điện cho khu vực miền Bắc giai đoạn 2026-2030.

Được biết, Điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1.500 MW được đề xuất đầu tư bởi liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy (Colavi). Dự án có quy mô vốn được tính toán khoảng 1,9 tỷ USD, gồm nhà máy điện và hệ thống cảng nhập, kho chứa LNG, hệ thống tái hóa khí đi kèm. Dự án dự kiến chiếm hơn 52 ha trên bờ tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh và 30 ha mặt nước.

Để có vốn triển khai, Dự án sẽ vay khoảng 80% và vốn của chủ đầu tư là 20%. Giá điện được đưa ra là 8,7 UScent/kWh cho toàn bộ vòng đời của Dự án và chưa xem xét tới yếu tố trượt giá cũng như chưa có VAT. Giá điện này dựa trên tính toán giá khí LNG đầu vào là 8,62 USD/MMBTU, với số giờ vận hành tương đương là 6.000 giờ/năm.

Theo tờ trình của tỉnh Quảng Ninh, hình thức đầu tư là dự án điện độc lập (IPP), được Bộ Công thương cho là phù hợp với Luật Đầu tư và các quy định hiện hành, không tốn thời gian đàm phán nhiều thoả thuận, hợp đồng như hợp đồng BOT, bảo lãnh của Chính phủ. Với hình thức IPP, chủ đầu tư sẽ đàm phán hợp đồng mua bán điện phù hợp với các cấp độ của thị trường điện. UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị giao cho liên danh PV Power và Colavi là nhà đầu tư Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư?

Trong Văn bản 1409/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc đồng ý bổ sung Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh vào quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật (không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công - tư) và hiệu quả tốt nhất cho Nhà nước. Nhà đầu tư phải đảm bảo khả năng tài chính tham gia và thực hiện đúng pháp luật về đầu tư, đưa Dự án vào vận hành đúng tiến độ.

Trước đó, tại Tờ trình 7716/BCT-ĐL, Bộ Công thương không kiến nghị cụ thể tên doanh nghiệp sẽ triển khai dự án này và cho hay, trường hợp được bổ sung vào quy hoạch, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án.

Phương án cung cấp khí LNG cho Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh gồm bến cảnh tiếp nhận tàu LNG có trọng tải tới 72.000 DWT (tương đương tàu có dung tích 130.000 m3) đặt gần Nhà máy. LNG được vận chuyển bằng đường ống. Kho LNG trên bờ gồm 2 bồn chứa có dung tích khoảng 100.000 m3/bồn. Hệ thống tái hoá khí có công suất phù hợp với nhu cầu tiêu thụ khí của nhà máy.

Như vậy, liên danh nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án và thuê tư vấn để tính toán các vấn đề liên quan nhằm đề xuất bổ sung Dự án vào quy hoạch điện là PV Power và Colavi có chính thức trở thành nhà đầu tư Dự án hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Nhất là khi trong khu vực xung quanh, gồm các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, cũng có ít nhất 3 dự án điện khí LNG với quy mô đều khủng của các nhà đầu tư khác được UBND các địa phương này đề xuất bổ sung quy hoạch điện, nhưng chưa có câu trả lời.

Được biết, góp ý cho Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án nên tuân thủ các quy định của pháp luật đấu thầu. Với thực tế Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới khoảng 44.000 tỷ đồng và vốn đối ứng của chủ đầu tư là 20%, tương đương 8.800 tỷ đồng, thì việc xem xét, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư cần tiến hành thận trọng, đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực và khả năng huy động vốn thực hiện Dự án theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PVP đang gặp khó khăn trong huy động vốn khi tham gia nhiều dự án điện như Nhà máy Thủy điện Luang Prabang (Lào), Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3-4. Vì vậy, việc tham gia góp 80% vốn đối ứng tại Dự án Điện khí LNG Quảng Ninh cần được xem xét trong tổng thể tình hình tài chính của doanh nghiệp này.

Còn Colavi, với vốn chủ sở hữu năm 2017 là 750 tỷ đồng, tổng tài sản 1.754 tỷ đồng, cũng cần bổ sung báo cáo tài chính các năm tiếp theo và phương án huy động vốn để tăng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng tài sản để đảm bảo đủ vốn tham gia góp 20% khi xây dựng dự án này.

Ngoài ra, giá điện được đề xuất trong Dự án dao động từ 8,55-8,83 UScent/kWh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là cao hơn so với một số dự án điện dùng khí LNG đang được một số nhà đầu tư khác đề xuất. Bởi vậy, Bộ Công thương cần làm rõ cơ chế mua bán điện của Dự án, so sánh giá bán điện với các dự án điện LNG khác.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục