Chưa đúng chỉ đạo
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Văn bản số 616/TB- KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án xây dựng Quốc lộ 38, đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng theo hình thức BOT (Dự án BOT Quốc lộ 38, Yên Lệnh - Vực Vòng).
Dự án BOT Quốc lộ 38, Yên Lệnh - Vực Vòng do liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng giao thông 4 là nhà đầu tư, với doanh nghiệpdự án là Công ty TNHH BOT cầu Yên Lệnh.
Công trình này có mục tiêu xây dựng Quốc lộ 38, đoạn từ cầu Yên Lệnh (Hưng Yên) đến nút giao Vực Vòng (Hà Nam), có chiều dài toàn tuyến khoảng 12,4 km, trong đó đoạn trùng với tuyến cũ khoảng 4,2 km.
Theo phương án tài chính ban đầu, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 833 tỷ đồng, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu giá dịch vụ cầu Yên Lệnh để thu giá trong vòng 15 năm 6 tháng. Sau 2 năm thi công, vào tháng 12/2016, Công ty TNHH BOT Yên Lệnh đã chính thức thu giá dịch vụ hoàn vốn cho công trình.
Mặc dù có quy mô đầu tư không lớn, nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, các bên liên quan đến Dự án BOT Quốc lộ 38, đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng lại vấp khá nhiều sai sót, đặc biệt là nhà đầu tư và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ban Quản lý Dự án 6 - PMU6, Bộ GTVT).
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến chủ trương đầu tư công trình. Cụ thể, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của tuyến đường cũ “có mật độ phương tiện giao thông tăng và sự quá tải của xe tải trọng nặng dẫn đến tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng, tai nạn giao thông tăng cao”.
Tuy nhiên, trong văn bản góp ý đề xuất số 1155/BTC - ĐT ngày 11/8/2014, Bộ Tài chính lại xác định đoạn đường này chưa bị xuống cấp và quá tải như đánh giá của Bộ GTVT, đồng thời có ý kiến “chưa nên đầu tư Dự án, đặc biệt là theo hình thức BOT”.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, trong Quyết định số 3296/QĐ - BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ GTVT về việc phê duyệt dự án đầu tư còn một số điểm chưa phù hợp. Đầu tiên là suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của Dự án cao hơn so với suất đầu tư do Bộ Xây dựng công bố với tổng số tiền là 70,444 tỷ đồng; một số nội dung trong chi phí xây dựng áp dụng định mức đơn giá chưa phù hợp, dẫn đến các chi phí tính theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng sai, kéo theo phát sinh tăng tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ đồng.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đầu tư xây mới 8/10,2 km là chưa hoàn toàn phù hợp với ý kiến cải tạo, nâng cấp của Thủ tướng Chính phủ.
Giảm sâu thời gian hoàn vốn
Doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH BOT cầu Yên Lệnh cũng bị Kiểm toán Nhà nước “thổi còi” một loạt sai sót trong quá trình triển khai thi công.
Cụ thể, nhà đầu tư đã tự ý phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu có giá gói thầu khoảng 28 tỷ đồng nằm ngoài nội dung và quy mô đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3296. Công ty TNHH BOT cầu Yên Lệnh ký kết hợp đồng với các đơn vị thực hiện các gói thầu tư vấn, đơn vị thi công của nhà đầu tư thực hiện các gói thầu xây lắp.
Tuy nhiên, các bên không tiến hành thương thảo hợp đồng gói thầu xây lắp số 1, 2 trước khi ký hợp đồng theo đúng trình tự quy định tại Điều 19, Nghị định số 63/2014/NĐ- CP ngày 26/6/2014 về quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu.
“Điều này dẫn đến chi phí lợi nhuận phải trả cho nhà đầu tư (11,5%/năm) cao hơn 2,5%/năm so với chi phí lãi vay trong quá trình khai thác (9%/năm) với tổng số tiền là 7,4 tỷ đồng”, Thông báo số 616/TB - KTNN do Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa ký nêu rõ.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Quốc lộ 38, đoạn Yên Lệnh - Vực Vòng là dự án có thời gian hoàn vốn bị giảm trừ trong quá trình rà soát của Bộ GTVT và Kiểm toán Nhà nước rất sâu.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau khi cập nhật một số chỉ tiêu tại thời điểm kiểm toán; loại khỏi phương án tài chính của hợp đồng một số nội dung được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận không có trong quy định hiện hành và loại một số chi phí đã được doanh nghiệp dự án quyết toán chưa phù hợp… thời gian hoàn vốn Dự án BOT Quốc lộ 38, Yên Lệnh - Vực Vòng chỉ còn 7 năm, 5 tháng, 14 ngày.
So với phương án hoàn vốn ban đầu, thời gian hoàn vốn Dự án bị giảm trừ là 8 năm, 16 ngày; so với phương án hoàn vốn do Bộ GTVT chủ động cập nhật (10 năm, 3 tháng, 8 ngày), thời gian giảm trừ của Kiểm toán Nhà nước là 2 năm, 9 tháng, 24 ngày.
“Trên cơ sở kết quả kiểm toán, đề nghị Bộ GTVT thương thảo với nhà đầu tư để điều chỉnh giảm giá vé hoặc giảm thời gian thu giá từ 15 năm, 6 tháng (theo phụ lục hợp đồng là 10 năm, 3 tháng, 8 ngày) xuống còn 7 năm, 5 tháng, 14 ngày”, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.