Dự án BOT luồng sông Sài Gòn phá sản vì không thu được phí

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi, TP.HCM đến cảng Bến Súc, Bình Dương không tìm được giải pháp thu phí, nên có khả năng sẽ bị phá sản.
Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Lợi, TP.HCM đến cảng Bến Súc, Bình Dương) mới hoàn thành một hạng mục là cầu Bình Lợi. Ảnh: Lê Toàn Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Lợi, TP.HCM đến cảng Bến Súc, Bình Dương) mới hoàn thành một hạng mục là cầu Bình Lợi. Ảnh: Lê Toàn

Nhùng nhằng việc thu hồi vốn

Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư là 1.302 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án được khởi công vào năm 2015 do Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi là nhà đầu tư.

Theo hợp đồng, nhà đầu tư sẽ xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu từ 1,5 m lên 7 m và nạo vét luồng sông Sài Gòn chiều dài khoảng 71 km để cho tàu trên 300 tấn vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương đi các cảng ở TP.HCM, nhằm giảm áp lực cho đường bộ. Theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư được phép thu phí các tàu trên 300 tấn lưu thông đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc.

Sau 4 năm thi công, đến năm 2019, cầu đường sắt Bình Lợi mới thi công xong. Sau đó, Dự án bị tạm dừng thi công cho đến nay vì gặp vướng mắc trong vấn đề thu phí hoàn vốn.

Trong Văn bản số 59/2022/BOTBL gửi Bộ Giao thông - Vận tải cuối tháng 4/2022, nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi xin chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ dùng vốn ngân sách nhà nước mua Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn.

Số tiền mà Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi muốn Nhà nước hoàn trả là 611,467 tỷ đồng. Trong đó, theo liệt kê của doanh nghiệp này, tiền trả nợ cho UBND tỉnh Bình Dương là 248,48 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 158,856 tỷ đồng; trả lãi vay vốn chủ sở hữu 54,867 tỷ đồng và thanh toán nợ khối lượng cho các nhà thầu là 149,26 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, dự án này mới xong cầu đường sắt Bình Lợi. Hạng mục còn lại là nạo vét lòng sông để đạt độ sâu cho tàu lớn di chuyển thuận lợi đến các cảng thì chưa thực hiện được. “Trước đây, đơn vị tư vấn lập dự án chưa chính xác, nên phải đánh giá lại việc có cần thiết phải nạo vét lòng sông hay không”, ông Minh nói.

Đặc biệt, tại dự này, vấn đề vướng mắc lớn nhất là việc thu phí hoàn vốn. Trước đây, nhà đầu tư dự kiến thu phí qua cảng An Sơn, Rạch Bắp, Bến Súc của tỉnh Bình Dương. Thế nhưng hiện nay, cảng Rạch Bắp và Bến Súc chưa được đầu tư xây dựng, còn cảng An Sơn mới được đầu tư một phần, nên nhà đầu tư không thể thu phí.

Cho doanh nghiệp khai thác quỹ đất, thay vì thu phí

Liên quan phương án giải quyết vướng mắc của Dự án, ông Đinh Công Minh cho biết, do phương án thu phí hoàn vốn và tài chính đều không khả thi, nên nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án 7 đã đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng thực hiện Dự án và tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng.

Việc dự án trên chấm dứt hợp đồng vì không thu phí hoàn vốn được là điều đã được dự báo trước. Ngay từ khi dự án khởi công, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư không thể chặn dòng sông để lập trạm thu phí như đường bộ được. Hơn nữa, theo nhiều doanh nghiệp, đối với đường thủy luồng lạch do thiên nhiên “ban tặng”, việc chỉ nạo vét một đoạn rồi thu phí là không hợp lý.

Đó là chưa kể, mức phí thời điểm năm 2018 được phê duyệt là khá cao. Ví dụ, tàu 1.000 tấn sẽ phải đóng mức phí 70.000 đồng/km, tàu trên 3.000 tấn lưu thông qua tuyến phải đóng tới 210.000 đồng/km. Với chiều dài đường sông từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc dài hơn 70 km, tàu 3.000 tấn lưu thông qua tuyến sẽ đóng gần 15 triệu đồng/lượt.

Với mức phí rất cao, nên khá nhiều doanh nghiệp phản đối dự án BOT đường thủy đầu tiên tại TP.HCM. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khai thác cảng khu vực TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai đã có đơn kiến nghị tập thể gửi các bộ, ngành và địa phương kiến nghị không thu phí dự án BOT đường thủy.

Các doanh nghiệp lo ngại, hiện nay, các tuyến đường bộ tại TP.HCM, Bình Dương đang quá tải, vận tải thủy đang chia sẻ gánh nặng cho đường bộ, nên việc thu phí đường thủy sẽ làm giảm lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy, dẫn đến tăng áp lực cho đường bộ. Điều này sẽ gây ách tắc nghiêm trọng đến các trục đường như Quốc lộ1, 51, 13, 1K; tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn và tác động dây chuyền đến toàn bộ hệ thống giao thông khu vực.

Đề xuất giải pháp thu hồi vốn cho các dự án đầu tư đường thủy, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho rằng, khi phương án thu hồi vốn bị bế tắc, thì cần có cơ chế khác để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Trong đó, phương án tạo quỹ đất sạch hai bên bờ sông và cho phép nhà đầu tư khai thác quỹ đất đó để thu hồi vốn là điều hoàn toàn có thể làm được.

Trong Văn bản số 59/2022/BOTBL gửi Bộ Giao thông - Vận tải cuối tháng 4/2022, nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi xin chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ dùng vốn ngân sách nhà nước mua Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn.

Anh Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục