Loanh quanh vạch xuất phát
5 năm sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Dự án Đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết theo hình thức BOT, việc triển khai công trình hạ tầng được UBND tỉnh Bình Thuận đặt nhiều kỳ vọng vẫn ở trong giai đoạn điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, đầu tháng 7/2019, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không mới có thông báo ý kiến thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục dân dụng khu mặt đất Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng gửi UBND tỉnh Bình Thuận.
Đây là một trong những cơ sở quan trọng để UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt điều chỉnh Dự án, trước khi triển khai các bước tiếp theo. “Ngoài việc phải chỉnh sửa một số nội dung trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, UBND tỉnh Bình Thuận phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách sẽ khiến Dự án này khó có thể tái khởi động vào quý III/2019”, một chuyên gia hàng không cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, theo Quy hoạch Phát triển giao thông hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không Phan Thiết là sân bay lưỡng dụng cấp 4 E (hàng không dân dụng) và cấp I (quân sự), công suất 2 triệu hành khách/năm, đón được máy bay A321 hoặc tương đương.
Vào tháng 3/2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 745/TTr – UBND đề nghị Bộ GTVT thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng. Một công văn có nội dung tương tự cũng được lãnh đạo tỉnh này gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về việc điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (Công văn số 743/UBND-ĐTQH).
Theo đó, Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng đầu tưtheo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư 3.395,96 tỷ đồng vẫn sẽ do Công ty cổ phần Rạng Đông là nhà đầu tư. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu phí dịch vụ hàng không trong thời gian không quá 77 năm 7 tháng (thời gian chính xác sẽ được chốt khi ký kết hợp đồng).
Trước đó, tháng 1/2015, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết đã được UBND tỉnh Bình Thuận khởi công với quy mô là sân bay lưỡng dụng cấp 3 C, đón được máy bay cỡ nhỏ như ATR72, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm.
Cấn cá năng lực nhà đầu tư
Trong công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, năng lực nhà đầu tư được lựa chọn là một trong những điểm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị làm rõ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc điều chỉnh Dự án từ quy mô 1 triệu hành khách/năm lên 2 triệu khách/năm; sân bay từ cấp 3 C lên cấp 4 C dẫn đến các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, yêu cầu kỹ thuật cũng như tiêu chí đánh giá trong hồ sơ yêu cầu không còn phù hợp với thực tế triển khai Dự án. Đồng thời, Hợp đồng Dự án được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty cổ phần Rạng Đông từ năm 2016 - trước thời điểm Quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết được điều chỉnh (tháng 8/2018).
“UBND tỉnh Bình Thuận cần làm rõ tình hình thực hiện Dự án sau khi ký kết hợp đồng, nguyên nhân kéo dài thời gian triển khai cũng như sự đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật của nhà đầu tư”, Công văn số 2811/BKHĐT-KCHTĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Ngoài năng lực nhà đầu tư, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đều đặt vấn đề về phương án tài chính và thời gian hợp đồng BOT Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Theo Bộ GTVT, Dự án ban đầu được duyệt với thời gian thu phí hoàn vốn không quá 84 năm 8 tháng, nhưng khi ký hợp đồng thì còn 73 năm 8 tháng 25 ngày (nhà đầu tư cam kết thu hoàn vốn tối đa 70 năm). Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận dự kiến trong đề xuất điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi là không quá 77 năm 7 tháng. Trong khi đó, khoản 3, Điều 126 của Luật Đất đai quy định, thời hạn giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư không quá 50 năm, trừ trường hợp đặc biệt khác được quy định tại khoản này, nhưng cũng không được quá 70 năm.
“Hiện thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án và hợp đồng chưa thống nhất và chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.