Dow Jones thiết lập kỷ lục mới, vàng vẫn lưỡng lự

(ĐTCK) Nhờ sự hỗ trợ cổ phiếu IBM, Phố Wall đã đảo chiều thành công trong phiên cuối tuần và giúp Dow Jones thiết lập mức kỷ lục mới. Trong khi đó, giá vàng vẫn lình xình khi chịu các thông tin tác động trái chiều.
Dow Jones có tuần tăng nhẹ và thiết lập mức kỷ lục - Ảnh: Reuters Dow Jones có tuần tăng nhẹ và thiết lập mức kỷ lục - Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ trước những lo ngại về tình hình Ukraine, tuy nhiên, sau khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ, cũng như triển vọng tích cực của ngành này được công bố, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã hồi phục, trong đó Dow Jones thiết lập kỷ lục mới trong năm, trong khi Nasdaq cũng kết thúc chuỗi giảm dài nhất kể từ đầu tháng 4.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Dow Jones tăng 32,37 điểm (+0,20%), lên 16.583,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,85 điểm (+0,15%), lên 1.878,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 20,37 điểm (+0,50%), lên 4.071,87 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, trong khi chỉ số S & P 500 giảm 0,1% và chỉ số Nasdaq giảm 1,3%, mức giảm theo tuần lớn nhất của Nasdaq trong1 tháng.

Trong khi đó, dù có tin hỗ trợ từ thông điệp của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, nhưng chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần do kinh doanh đáng thất vọng của nhóm viễn thông. Không chỉ kết quả không tiêu cực ở các nhóm riêng lẻ, trong khoảng 2/3 số doanh nghiệp trong 600 doanh nghiệp thuộc chỉ số STOXX 600 công bố kết quả kinh doanh, một nửa trong số này có lợi nhuận sụt giảm hoặc không đạt mức dự báo.   

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số FTSE tại Anh giảm 24,68 (-0,36%), xuống 6.814,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 25,95 điểm (-0,27%), xuống 9.581,45 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 29,96 điểm (-0,66%), xuống 4.477,28 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng có mức tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng giá nhờ kết quả kinh doanh tích cực của Mitsubishi và Toshiba, cũng như việc đồng yên giảm mạnh so với đồng USD. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm điểm phiên cuối tuần khi dữ liệu lạm phát của nước này được công bố ở mức 1,8% trong tháng 4, mức thấp nhất 18 tháng cho thấy, sức cầu yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 9/5, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 35,81 điểm (+0,25%), lên 14.199,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 25,87 điểm (+0,12%), lên 21.862,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 4,14 điểm (-0,21%), xuống 2.011,13 điểm.

Cũng giống phiên trước đó, giá vàng lình xình đi ngang trong phiên cuối tuần do tác động của các thông tin trái chiều. Tình hình Ukraine hỗ trợ cho giá vàng, trong khi đồng USD tăng mạnh lại hãm đà tăng của giá kim loại quý này.

Kết thúc phiên 9/5, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,3 USD, lên 1.290,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,1 USD, xuống 1.287,6 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm khi lượng thiếu hụt trong kho dự trữ dầu của Mỹ đã phần nào được bù đắp. Kết thúc phiên 9/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,27 USD (-0,27%), xuống 99,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,14%), xuống 107,89 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục