Bất cập trong kiểm tra chuyên ngành hiện nay
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kể từ năm 2014, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP) hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Những bất cập trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu hiện nay, theo ông Cẩn là hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều; trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất; còn tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết; chồng chéo trong kiểm tra.
“Nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, thực chất dẫn đến tỷ lệ kiểm tra còn cao, tỷ lệ hàng hóa miễn kiểm tra chuyên ngành còn thấp. Đặc biệt là tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành nhiều, nhưng phát hiện ra sai phạm, vi phạm rất thấp, chỉ phát hiện ra 0,03% số lô hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng”, ông Cẩn nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trong những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh mẽ, thậm chí còn bất chấp dịch bệnh, bất chấp giao dịch thương mại toàn cầu suy giảm.
“Có được kết quả kể trên ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, còn có sự đóng góp rất lớn từ tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19/NQ-CP trước đây và Nghị quyết 02/NQ-CP hiện nay, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Tinh thần này phải được quy định cụ thể, chi tiết hơn bằng nghị định và các văn bản hướng dẫn để chấm dứt những điều phi lý trong kiểm tra chuyên ngành”, ông Cung nói.
Quy về một đầu mối
Sự phi lý trong kiểm tra chuyên ngành hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, là nhiều loại hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn tại cửa khẩu, nhưng vẫn bị kiểm tra trước khi thông quan như mặt hàng thang máy, cần cẩu…
Thang máy, nồi hơi công nghiệp, cần cẩu… nói chung là các dây chuyền, thiết bị công nghiệp chỉ có thể kiểm tra, kiểm định mức độ an toàn sau khi lắp đặt, vận hành thử nghiệm, nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại đòi kiểm tra tại cửa khẩu là hết sức phi lý, bởi không biết kiểm tra bằng cách nào vì chắc chắn không thể lắp đặt, vận hành thử nghiệm để kiểm tra. Tương tự, rất nhiều chất sinh học có trong tự nhiên, khi sản xuất thì chưa có, nên nhà sản xuất không ghi trên bao bì, nhưng trong quá trình bảo quản thực phẩm, nhiều chất sinh học được sinh ra khi nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù đây là những chất phụ gia hoàn toàn không có hại cho sức khỏe con người, không ảnh hưởng xấu đến chất lượng thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo… nhưng vẫn bị cơ quan quản lý chuyên ngành “tuýt còi” là hết sức phi khoa học, thiếu thực tiễn.
“Thay vì kiểm tra chuyên ngành như hiện nay với nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng thực hiện, làm mất thời gian, công sức, chi phí tiền bạc của doanh nghiệp, thì nên giao cho một đầu mối thực hiện và chỉ kiểm tra kết quả. Thay vì tiền kiểm thì thực hiện hậu kiểm, thay vì kiểm tra tất cả hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra thì thực hiện kiểm tra dựa vào phân tích rủi ro và mức độ tuân thủ, chỉ tập trung vào những doanh nghiệp hay vi phạm, qua đó ngăn chặn được hàng hóa không bảo đảm chất lượng, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chấp hành tốt luật pháp”, ông Cung nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cẩn, tất cả những bất cập, phi lý, phi khoa học kể trên sẽ được xử lý triệt để khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (dự kiến trong quý II/2021). Theo đó, lực lượng hải quan được giao nhiệm vụ chủ trì, làm đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành ở tại cửa khẩu (trừ hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng) đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thú y…
“Có nghĩa là, thay vì việc đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, với nhiều thủ tục, quy trình khác nhau, doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ cho cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan có trách nhiệm đưa vào hệ thống điện tử, các bộ, ngành căn cứ vào danh mục, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm tra chuyên ngành, lấy thông tin từ hệ thống điện tử của ngành hải quan để quyết định cho hay không cho xuất nhập khẩu, qua đó sẽ rút ngắn được thời gian thông quan, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Cẩn cho biết.