“Ưu đãi”: Minh bạch và chặt chẽ
Trước khi được thảo luận rộng rãi tại Nghị trường sáng 23/5, dự luật đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội qua các ý kiến đóng góp tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban soạn thảo luật đã cầu thị tiếp thu để hoàn thiện và chỉnh sửa nhiều vấn đề trong dự thảo trên nguyên tắc tạo ra đột phá về thể chế ở mức cao nhất, trong khi vẫn đảm bảo tính minh bạch, ổn định và nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư.
Đơn cử, về ngành nghề ưu tiên phát triển tại ba đặc khu, có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể các ngành nghề mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu, hoặc chỉ quy định các ngành nghề không được phép làm tại từng đặc khu. Cũng có ý kiến bày tỏ sự lo ngại về khả năng có thể xảy ra một cuộc đua tốn kém để giành giật thu hút đầu tư giữa ba đặc khu tương lai. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo vệ quan điểm rằng, các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu cần được quy định rõ trong dự thảo luật thể hiện sự minh bạch, ổn định và nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu
Có những ngành nghề như du lịch được định hướng ưu tiên phát triển ở cả ba đặc khu. Điều này là cần thiết, nhưng không đưa quá nhiều ngành nghề có định hướng phát triển “chung” vào để tránh dàn trải, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm để phát huy lợi thế của từng đặc khu.
Trên quan điểm này, dự thảo luật đã bổ sung ngành nghề dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; bổ sung ngành sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong.
Cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino lên 45.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế lên 6.000 tỷ đồng trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp và so chiếu với thực tế.
Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc về các loại dự án được áp dụng thời hạn sử dụng đất đến 99 năm. Có đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).
Hiện nay, pháp luật hiện hành về đất đai quy định thời hạn sử dụng đất tối đa để sản xuất - kinh doanh trong khu kinh tế là 70 năm. Tại một số đặc khu kinh tế như ở Thái Lan, Malaysia, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dubai (Khu tự do Jebel Ali), thời hạn sử dụng đất là 99 năm.
Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng thời hạn sử dụng đất để sản xuất - kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn, nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có). Thủ tướng sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.
Nhìn nhận một cách tổng thể dự luật mới nhất, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, dự luật đã có thay đổi rất nhiều, nhiều thay đổi thậm chí rất căn bản. Hiện trên thế giới đã có hàng nghìn đặc khu đang hoạt động, ra đời sau nên các đặc khu kinh tế tại Việt Nam phải rất “cạnh tranh”.
Theo quan điểm của đại biểu này, ưu đãi cho các nhà đầu tư vào đặc khu phải được ưu tiên số 1, nhưng đó không chỉ là những ưu đãi về kinh tế như miễn giảm thuế, tự do hải quan… mà còn là các yếu tố về thể chế, hành chính như thời gian cấp phép dự án, giải quyết các thủ tục hồ sơ…
Giám sát việc “lạm quyền”
Với rất nhiều ưu đãi được quy định cụ thể trong dự thảo luật, đã có khá nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc trao quyền, cần có cơ chế để giám sát, hạn chế việc “lạm quyền”, có thể tạo ra những kẽ hở và nguy cơ cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Ngay như bộ máy chính quyền đặc khu, theo dự thảo luật mới nhất, sẽ có cả HĐND và UBND với nhiều đổi mới về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu. Bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 7 cơ quan) và Trung tâm hành chính công đặc khu.
Có rất nhiều ý kiến mong muốn Chủ tich UBND đặc khu nên được trao quyền tối đa để đủ thẩm quyền giải quyết nhanh các vấn đề của các nhà đầu tư, của các dự án đầu tư tại đặc khu. Song theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới hoặc thường xuất hiện cái nóng thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực.
Điều này giúp không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng, làm mất niềm tin, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và làm suy thoái niềm tin. Bởi nếu có sai phạm sẽ rất khó điều chỉnh vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Đại biểu cũng đề nghị xem xét cơ chế ủy quyền cho các phó chủ tịch để Chủ tịch UBND đặc khu có thời gian “lo việc lớn”.
Không chỉ giám sát việc “lạm quyền” trong bộ máy chính quyền đặc khu, cũng có những ý kiến cho rằng, việc trao quyền cho nhà đầu tư chiến lược cần được kiểm soát kỹ. Bà Võ Thị Như Hoa, đại biểu đến từ Đà Nẵng dẫn chứng theo dự thảo luật, nhà đầu tư có quyền tham gia vào quá trình lập quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại đặc khu.
Bởi vậy, việc trao quyền cho nhà đầu tư cần những cơ chế và công cụ để giám sát, tránh trường hợp các nhà đầu tư “cá mập” chi phối hoạt động hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đặc khu có lợi cho họ và làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà đầu tư khác.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ quan điểm trên và cho rằng, bên cạnh các ưu đãi, rất cần những quy định ràng buộc để hạn chế tình trạng doanh nghiệp ồ ạt vào đặc khu để giữ chỗ, đầu cơ kiếm lợi nhuận.
“Có các ràng buộc để nếu kinh doanh không hiệu quả buộc doanh nghiệp phải rời bỏ, nhường nguồn lực và cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực thực lực, tạo ra sự đóng góp thực sự”, ông Cường nhấn mạnh.
Không đi sẽ không tới
Phần lớn các ý kiến thảo luận tại nghị trường cũng như giới chuyên gia kinh tế cho rằng, khó có thể cầu toàn một bộ luật hoàn hảo. Kinh nghiệm từ khu vực và thế giới cũng đã cho thấy, sau khi các đặc khu kinh tế ra đời, song song với quá trình hoạt động của nó, có rất nhiều vấn đề cần vừa làm vừa căn chỉnh.
Ngay từ vấn đề nguồn lực tài chính cho các đặc khu, theo chuyên gia Hà Tôn Vinh, Giám đốc Công ty tư vấn Stellar, nếu để có đủ 1,57 triệu tỷ đồng như ước tính của Bộ Tài chính mới có thể xây dựng và phát triển ba đặc khu tại Việt Nam thì không biết đến bao giờ có thể làm được.
“Các nhà đầu tư có thể tham gia giảm tải áp lực với chính quyền, họ có thể huy động được nguồn vốn lớn, cái họ cần là cơ chế và sự hỗ trợ sát sao kịp thời”, ông Vinh nói. Quan trọng hơn nữa là cần tư duy nhất quán và quyết tâm để có thành công, bởi nếu ném hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư mà chỉ mang tính “thử nghiệm” sẽ không có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm.
Giải pháp cho câu chuyện vốn đầu tư, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng đề cập đến cơ chế “vốn mồi” để thu hút thêm nhiều nguồn lực trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ, xây dựng dự án Luật Đặc khu là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nên cần có cách làm thận trọng, học hỏi, tiếp thu, cập nhật kinh nghiệm quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Các nước thành công với mô hình đặc khu cũng đã phải điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về đặc khu nhiều lần.