Dòng vốn ngoại sẽ quay lại?

(ĐTCK) TTCK đã đi được một phần tư chặng đường của năm 2016 với những diễn biến bất ổn. Trong đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, nhân tố tác động lớn tới tâm lý chung của thị trường, đã bán ròng gần 730 tỷ đồng trên cả hai sàn trong quý I/2016.
Đầu quý II, trạng thái giao dịch của khối ngoại vẫn còn dè dặt, các phiên mua ròng hạn chế               Đầu quý II, trạng thái giao dịch của khối ngoại vẫn còn dè dặt, các phiên mua ròng hạn chế

Khối ngoại liên tiếp bán ròng

Trong những phiên giao dịch đầu năm 2016, ảnh hưởng tiêu cực của khá nhiều yếu tố như chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh, giá dầu thô “chọc thủng” mốc 30 USD/thùng... đã gây bất ổn lên TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Chỉ trong 2 tuần đầu năm, VN-Index đánh mất tới 50 điểm, tương ứng gần 9%.

Tuy thị trường có hồi phục vào tháng 2, nhưng với “cú sốc” đầu năm cùng diễn biến không mấy tích cực trong tháng 3 khiến cả hai chỉ số chính cùng mất điểm trong quý I/2016. Cụ thể, VN-Index đã giảm 17,81 điểm, tương ứng hơn 3%, đứng ở mức 561,22 điểm; HNX-Index giảm 0,91 điểm, tương ứng hơn 1,1%, đứng ở mức 79,05 điểm (đóng cửa phiên 31/3).

Cùng với khối nội, diễn biến giao dịch của khối ngoại đã có những ảnh hưởng nhất định tới tâm lý cũng như quyết định của nhà đầu tư. Theo đó, việc thị trường trải qua những diễn biến bất ổn trong quý I phần nào chịu ảnh hưởng từ giao dịch tiêu cực của khối ngoại, đặc biệt là khối ngoại trên sàn HOSE.

Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE trong quý I/2016, với danh mục mua vào là các mã vừa và nhỏ như MBB, DXG, ASM, NT2... trong khi bán mạnh các mã bluechip như VIC, DRC, HSG, HPG..., khối này đã mua ròng 45,88 triệu đơn vị nhưng tổng giá trị là bán ròng 1.045 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng tháng 1, khối này chỉ thực hiện duy nhất 1 phiên mua ròng ngày 20/1, tổng giá trị bán ròng cả tháng đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại sẽ quay lại? ảnh 1

Hiện tượng bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại không quá bất ngờ bởi trong những tháng cuối năm 2015, khối này cũng đã duy trì trạng thái này với những phiên bán ròng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, trên sàn HOSE, sau khi bán ròng gần 500 tỷ đồng trong tháng 11, khối ngoại đã có tháng bán ròng kỷ lục với tổng giá trị đạt hơn 1.995 tỷ đồng trong tháng 12 và nguyên nhân xuất phát từ giao dịch bán ròng đột biến hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu MSN và 650 tỷ đồng cổ phiếu VIC. 

Tín hiệu dòng vốn ngoại trở lại

Theo thống kê của Viện Tài chính quốc tế (IIF), dòng vốn đầu tư chảy vào các thị trường mới nổi toàn cầu tăng mạnh, đạt 36,8 tỷ USD trong tháng 3/2016, tăng mạnh so với con số 5,2 tỷ USD của tháng trước, trong đó, khu vực châu Á chiếm 20,6 tỷ USD. Đồng thời, các quỹ ngoại trong thời gian gần đây liên tục rót vốn vào các cổ phiếu Việt Nam. Đây sẽ là những thông tin hỗ trợ cho sự tham gia tích cực của khối ngoại trên TTCK Việt Nam.

Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, bắt đầu từ nửa cuối tháng 2/2016, cường độ bán ròng của khối ngoại đã giảm mạnh và trong tháng 3 đã chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng. Cụ thể, trong tháng 3, khối ngoại đã mua ròng gần 730 tỷ đồng, trong đó mua ròng hơn 489 tỷ đồng trên sàn HOSE và gần 239 tỷ đồng trên sàn HNX.

Trong những phiên giao dịch đầu quý II/2016, xu thế mua ròng của nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì. Tuy nhiên, trạng thái giao dịch của khối này nhìn chung vẫn còn dè dặt, các phiên mua ròng khá hạn chế. Trong đó, phiên 1/4, khối ngoại chỉ mua ròng gần 48 tỷ đồng và phiên 4/4 mua ròng hơn 58 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so sánh tương quan giữa TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, PE dự phóng 2016 của Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn, đi kèm theo là tiềm năng tăng trưởng EPS vào loại khá. Theo các chuyên gia phân tích, dòng vốn ngoại sẽ xác lập xu thế mua ròng trong quý II khi “nút thắt” liên quan đến vấn đề nới room cho khối ngoại được tháo gỡ.        

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục