Dòng vốn lớn săn mua dự án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Qua giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực mạnh bắt đầu khởi động các cuộc săn dự án, nhất là trong bối cảnh đang có nhiều bên bán.
Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam.

Tạo nền cho chu kỳ mới

Trong nửa đầu năm 2024, thị trường ghi nhận suy giảm về số lượng giao dịch M&A, nhưng giá trị trung bình của các giao dịch lại tăng nhờ vào việc thoái vốn của một số tập đoàn lớn.

Một trong những thương vụ lớn nhất từ đầu năm đến nay là Vingroup chuyển nhượng 55% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại SDI cho 4 doanh nghiệp với tổng giá trị 982,3 triệu USD.

Công ty SDI sở hữu 99% vốn điều lệ Công ty Kinh doanh thương mại Sado - cổ đông lớn nắm 41,5% vốn của Vincom Retail. Thông qua giao dịch chuyển nhượng vốn tại SDI, Vingroup gián tiếp thoái vốn khỏi Sado và Vincom Retail. Hiện tại, Vingroup còn sở hữu trực tiếp 18,4% vốn tại Vincom Retail.

Sau thương vụ trên, Vingroup có thể lãi ít nhất 21.520 tỷ đồng và nguồn tiền đó sẽ giúp “ông lớn” này kích hoạt nhiều dự án mới trong thời gian tới.

Thương vụ thoái vốn của Vingroup cũng là 1 trong 8 thương vụ M&A được EY Parthenon ghi nhận trong nửa đầu năm 2024, với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái là 18 thương vụ với tổng giá trị 900 triệu USD). Các giao dịch được thực hiện chủ yếu tập trung tại lĩnh vực bất động sản công nghiệp, bất động sản bán lẻ và nhà ở.

Có thể thấy, không có nhiều thương vụ bán vốn lớn được chốt thành công từ đầu năm tới nay, song các thành viên trên thị trường kỳ vọng hoạt động này sẽ có nhiều biến chuyển trong thời gian tới với kế hoạch “đi săn” của nhiều doanh nghiệp.

Đơn cử, Victory Capital mới thông qua Nghị quyết mua cổ phần tại Công ty cổ phần VictoryCons với số cổ phần nhận chuyển nhượng là 8,6 triệu cổ phần, tương đương 72% vốn điều lệ VictoryCons. Với đơn giá nhận chuyển nhượng là 12.522 đồng/cổ phần, Victory Capital sẽ phải chi hơn 108 tỷ đồng để mua lượng cổ phần này.

Ngoài ra, Victory Capital còn thông qua công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Tân Long Phát mua gần 2,3 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần DBFS. Đơn giá nhận chuyển nhượng là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị nhận chuyển nhượng gần 23 tỷ đồng.

Victory Capital tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (Petroland), hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư... Động thái thâu gom cổ phần doanh nghiệp khác ở trên nằm trong định hướng phát triển Victory Capital theo mô hình đầu tư tài chính trong những năm tới để tạo ra hệ sinh thái có ngành nghề phù hợp.

Hay tại Đất Xanh Group, nhà phát triển bất động sản này đang tăng cường tích lũy những quỹ đất lớn từ 100-200 ha trên cả nước, pháp lý đầy đủ… để phát triển các dự án giai đoạn 2024-2025. Đất Xanh Group cũng dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn cung 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

“Hiện nhu cầu của thị trường đối với phân khúc nhà ở trung bình khá là rất lớn. Các dự án sắp tới của Đất Xanh Group đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn 2024-2025 nhằm đón đầu nguồn cầu lớn của thị trường, tạo ra những kết quả kinh doanh đột phá cho Công ty”, đại diện Đất Xanh Group cho hay.

Tương tự, dù đang sở hữu quỹ đất hơn 680 ha để phát triển dự án đến năm 2030, nhưng Nam Long Group tiếp tục lên kế hoạch mở rộng thêm quỹ đất sạch nhằm phát triển các dự án đô thị mới trong dài hạn. Ban lãnh đạo An Gia Group cũng đặt mục tiêu mua 1-2 dự án mỗi năm tại TP.HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai...

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong nửa đầu năm 2024, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã có sự cải thiện hơn khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất phát triển dự án để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của ngành bất động sản, trong đó các tiêu chí pháp lý dự án, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ dưỡng cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình trong thời gian tới.

Dòng vốn lớn chực chờ

Cùng với tâm thế sẵn sàng đón sóng phục hồi, các luật chuyên ngành bất động sản mới cũng tạo hành lang thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, như việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Pháp lý đất đai cởi mở hơn là tiền đề để thị trường bất động sản Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tương tự, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cần hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến giao dịch chuyển nhượng thì bên mua sẽ được cấp sổ hồng.

Trước đây, kể từ thời điểm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian để được cấp sổ hồng cũng như được bàn giao đất. Bởi vậy, quy định mới sẽ đẩy nhanh quy trình thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản, đặc biệt với các nhà đầu tư ngoại.

“Thị trường dù còn khó khăn, song nhu cầu bất động sản vẫn ở mức cao, đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội. Đó là lý do tại sao tôi tin tưởng rằng khi hành lang pháp lý bất động sản hoàn thiện hơn sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam”, ông Angus Liew - Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam nói, đồng thời cho rằng, hiện là thời điểm tốt để gia nhập thị trường bất động sản Việt Nam nên dự báo dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường này trong thời gian tới.

“Chính phủ đang nỗ lực rất lớn để hỗ trợ nhà đầu tư và thị trường bất động sản. Đây là một trong những điểm đột phá trong chính sách của Việt Nam hiện nay”, ông Angus Liew chia sẻ thêm.

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư cấp cao Savills Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới bất động sản Việt Nam, đặc biệt là nhà đầu tư trong khu vực châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…). Mới đây, Savills đã môi giới thành công một thương vụ M&A dự án giá trị hàng trăm triệu USD.

Còn bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo, sẽ có một lượng vốn lớn từ nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, khi nhiều giao dịch đã được đàm phán và đang ở trong giai đoạn cuối cùng. Mục tiêu đầu tư tiếp tục hướng đến những quỹ đất lớn, có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục