Theo ông, dòng vốn FII vào Việt Nam trong thời gian tới liệu có thay đổi?
Nguồn vốn đầu tư FII vẫn tiếp tục vào thị trường Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên, tính chất có thể khác. Trước đây, nguồn vốn FII vào Việt Nam thường thông qua các quỹ đầu tư và vào đại trà chung của cả thị trường, nhưng hiện nay đã khác. Các nhà đầu tư nước ngoài có sự chọn lọc kỹ hơn và bản thân họ cũng muốn chọn lọc các doanh nghiệp Việt Nam trước khi đầu tư vào. Các nhà đầu tư và quỹ đầu tư cũng có sự tìm hiểu kỹ hơn về các doanh nghiệp trước khi rót vốn.
Trong các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Cụ thể, gần đây nhất, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và sắp tới Sabeco, Vinamilk… cũng bán thêm cổ phần. Xu hướng trong tương lai, dòng vốn FII tiếp tục đổ vào Việt Nam, song sẽ không dàn trải như trước mà có sự chọn lọc hơn.
Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại có sự lựa chọn kỹ hơn doanh nghiệp trong nước trước khi rót vốn đầu tư, thưa ông?
Trải qua thời kỳ tăng trưởng nóng của Việt Nam vừa qua, không phải tất cả các doanh nghiệp đều tăng trưởng tốt, nhất là trong môi trường hiện nay khi còn nhiều khó khăn. Chỉ có một số doanh nghiệp ở vị trí đứng đầu ngành mới có thể cạnh tranh và có nhiều thuận lợi. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn có sự lựa chọn kỹ hơn các doanh nghiệp Việt Nam trước khi quyết định rót vốn đầu tư.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có tác động thế nào đến dòng vốn FII và đối với tỷ giá trong quý còn lại của năm 2016?
Nếu không có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, VND đã tăng giá khoảng vài phần trăm trong năm nay. Tuy nhiên, Nhà nước đã mua vào khoảng 10 tỷ USD trong năm nay, theo quan điểm của tôi thì tỷ giá sẽ không có nhiều áp lực, với điều kiện không tăng lãi suất đột ngột.
Nếu Fed tăng thêm lãi suất 0,25% vào tháng 9 năm nay thì cũng không phải là cú sốc đối với thị trường Việt Nam cũng như các thị trường tài chính khác. Chỉ khi Fed tăng lãi suất 0,5% thì mới tác động mạnh tới thị trường. Nhưng các dự báo đưa ra đều nhận định, khả năng Fed tăng lãi suất cơ bản đồng USD một cách đột ngột là rất thấp. Dòng vốn FII vào Việt Nam sẽ không có biến động.
Liệu tỷ giá có tác động lên lãi suất cho vay của ngân hàng thời gian tới không?
Theo tôi thì không. Lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay có giảm nhẹ. Với nhóm khách hàng có “sức khỏe” tốt, các ngân hàng thậm chí còn cho vay với lãi suất thấp hơn cả huy động vốn. Lãi suất cho vay thời gian tới nhiều khả năng duy trì như hiện tại.
Vậy tại sao ngân hàng lại khó hạ lãi suất cho vay?
Giảm lãi suất là điều cần thiết đối với nền kinh tế, song muốn thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải tìm hướng ra cho bài toán nợ xấu.
Lợi nhuận các ngân hàng thương mại phụ thuộc phần lớn vào tín dụng, vì vậy, họ phải gia tăng tín dụng hoặc gia tăng lãi suất để tạo hiệu quả và bù đắp cho các chi phí gia tăng, trong khi ngân hàng phải trích dự phòng nợ xấu cao. Chi phí dự phòng tăng lên, cùng với chi phí đầu vào chưa dừng lại, là nguyên nhân khó có thể giảm lãi suất.