Đồng Việt Nam có thể giảm giá, nhưng không đáng lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, hạ lãi suất sẽ khiến giá trị đồng Việt Nam giảm, nhưng việc này không đáng lo ngại, do USD cũng giảm.

Ông có bình luận gì về quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước?

Tôi cho rằng, động thái giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước có tác động rất tích cực trong thời điểm hiện tại, sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi, đặc biệt trong khu vực dịch vụ, bán lẻ, tiêu dùng. Đây là các lĩnh vực có thể tạo ra động lực cho các lĩnh vực khác dần phục hồi và hơn thế, giúp thị trường lấy lại niềm tin về triển vọng kinh tế sẽ tốt hơn.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn đặt ra.

Một là, thông tin trên thị trường hiện nay đề cập nhiều về các đơn hàng xuất khẩu giảm nghiêm trọng, bởi kinh tế các quốc gia nhập khẩu gặp khó khăn dẫn tới hạn chế chi tiêu. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng một phần và một phần nguyên nhân là chúng ta đã không chuẩn bị trước về câu chuyện kinh tế xanh, xuất khẩu xanh. Xu thế mà các quốc gia khác đã âm thầm chuẩn bị 2 - 3 năm nay dẫn đến không ít mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu cảnh số lượng đơn hàng giảm một nửa, chủ yếu do thiếu chứng chỉ xanh.

Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Bangladesh, Trung Quốc và một số quốc gia khác đã có chứng chỉ xanh nên gần như không bị suy giảm về đơn đặt hàng, đặc biệt đối với những mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày da. Đây là một bài học lớn cho Việt Nam, bởi lâu nay chúng ta nằm trong nhóm các quốc gia đề cập đến chứng chỉ xanh nhiều nhất thế giới nhưng thực tế triển khai còn hạn chế.

Trong tương lai, kinh tế xanh, xuất khẩu xanh sẽ là một xu thế chính. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao sức cạnh tranh cho tăng trưởng bền vững, điều quan trọng bây giờ là cần có chứng chỉ xanh. Nếu không có chứng chỉ này, hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần cũng như trong trung hạn sẽ bị “gạt bỏ”, cho dù đó là hàng hóa tốt, có sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Thứ hai, thặng dư thương mại giảm. Về lý thuyết, xuất khẩu suy giảm, thặng dư thương mại là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu nên có thể dự đoán, khi nhập khẩu trong thời gian tới giảm thì xuất khẩu cũng sẽ giảm theo. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu…, những mặt hàng chủ lực cho tăng trưởng kinh tế giảm nên chu kỳ kinh doanh sắp tới có nguy cơ suy giảm. Do đó, thặng dư thương mại hiện đạt vài tỷ USD là điều đáng lo, chứ không phải đáng mừng. Dẫu sao, thặng dư thương mại có tác dụng nhất định đến việc ổn định cán cân vãng lai, dù có thâm hụt nhưng mức độ không lớn.

Lưu ý, từ thâm hụt thương mại ở mức thấp có thể chuyển sang mức cao và cộng với đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm có thể dẫn đến cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt. Lúc đó, vấn đề tỷ giá hối đoái xuất hiện theo hướng đồng Việt Nam mất giá không phải do ảnh hưởng của bên ngoài tác động, mà do chính cấu trúc kinh tế.

Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ không có biến động lớn về tỷ giá. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ không có biến động lớn về tỷ giá. Ảnh: Dũng Minh

Theo ông, lãi suất điều hành giảm có tác động đến thị trường ngoại hối như thế nào?

Về lý thuyết, hạ lãi suất sẽ khiến giá trị đồng Việt Nam giảm, nhưng do USD cũng giảm nên việc này không đáng lo ngại. Bên cạnh đó, hạ lãi suất có tác động tích cực, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh có triển vọng phục hồi. Người dân bắt đầu lấy lại niềm tin rằng, triển vọng của thị trường sẽ tốt hơn, đặc biệt là thị trường chứng khoán cũng như khu vực trái phiếu doanh nghiệp.

Những diễn biến trên thị trường cho thấy, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu phát hành trái phiếu. Cụ thể, hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công vừa qua phần lớn không phải là do doanh nghiệp lớn, mà là doanh nghiệp quy mô trung bình phát hành. Thời gian tới, một số doanh nghiệp lớn như Vingroup dự kiến sẽ phát hành trái phiếu, không chỉ phát hành riêng lẻ mà phát hành trên cả thị trường đại chúng, dưới sự dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Những động thái này cho thấy dấu hiệu ấm trở lại trên thị trường vốn và các đợt giảm lãi suất, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra một xu hướng tích cực cho thị trường vốn nói chung.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc ổn định tỷ giá hối đoái trong trung hạn không chỉ đơn thuần là tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, mà là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Đồng thời với đó là môi trường kinh doanh dài hạn, ổn định để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nói cách khác, vấn đề đặt ra không chỉ đơn thuần là tác động của bên ngoài như thế nào, mà là thực lực kinh tế, sức cạnh tranh thực sự của Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề của chính sách tiền tệ, mà là của cấu trúc nền kinh tế.

Về câu chuyện lãi suất và thị trường ngoại hối, không thể không đề cập đến động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)?

Sau đợt điều chỉnh lãi suất gần đây nhất của Fed, chỉ số USD (Dollar Index) gần như không đổi, vẫn là 103,8 và giữ ở mức này tương đối lâu. Các chuyên gia tài chính quốc tế đều dự báo rằng, chỉ số USD sẽ tiếp tục giảm, kể cả khi Mỹ có tăng lãi suất trong thời gian tới, bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến xu thế đa cực xuất hiện. Khi xu thế lớn xuất hiện, bao giờ cũng thể hiện đầu tiên ở vấn đề đa tiền tệ trong thanh toán quốc tế.

Ví dụ, trước đây, xu thế độc tôn là USD đóng vai trò đồng tiền thanh toán quốc tế và khi đa cực nghĩa là sẽ có nhiều đồng tiền khác có vai trò đó (mặc dù USD chiếm đến 50 - 60%). Điều đó cho thấy, xu thế USD ngày càng yếu đi trong so sánh với các đồng tiền khác, dù Fed có tăng lãi suất hay không.

Xu thế này có thể tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước đây, chúng ta luôn lo ngại lạm phát quốc tế và phần nào đó là thanh khoản trong nước có thể tác động đến tỷ giá hối đoái, nói cách khác là đồng Việt Nam mất giá. Nhưng hiện nay, lo ngại đó đã giảm bớt, kể cả trong ngắn hạn cũng như trong trung hạn. Chính vì vậy, không nhất thiết phải neo lãi suất của Việt Nam ở mức cao, bởi quan ngại hạ lãi suất có thể làm đồng Việt Nam mất giá hơn.

Ông có nhận định gì về động thái mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua?

Tôi cho rằng, quyết định mua ngoại tệ của cơ quan quản lý một mặt để ổn định tỷ giá, mặt khác để tăng cung tiền trong lưu thông, bởi đây là kênh tăng cung tiền nhanh nhất, thậm chí nhanh hơn cả nghiệp vụ trên thị trường mở. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý, USD mua được trong những tháng qua phần lớn là do nhập khẩu giảm nghiêm trọng. Doanh nghiệp không đầu tư, không mở rộng sản xuất - kinh doanh, một trong những nguyên nhân chính là chi phí vốn đầu tư cao, đặc biệt là lãi suất vay trung và dài hạn.

Quay lại vấn đề không mới, cung ứng vốn trung và dài hạn là vai trò của thị trường vốn, không phải của thị trường ngân hàng, nhưng thực tế vẫn đang phụ thuộc vào hệ thống này. Với động thái hạ lãi suất, hệ thống ngân hàng có thể tạo ra một làn sóng để thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phục hồi, cung cấp vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Ông có thể chia sẻ dự báo về tỷ giá cuối năm 2023?

Đồng Việt Nam mất giá khoảng 3 - 4%. Đáng chú ý, Việt Nam không nằm trong danh sách các nước thao túng tiền tệ mà Mỹ vừa công bố, đồng nghĩa với việc Việt Nam đảm bảo được một số yếu tố như thặng dư thương mại không quá lớn đối với Mỹ (15 tỷ USD), cán cân vãng lai không quá 3% GDP, mua vào ngoại tệ không quá 2% GDP. Theo đó, thị trường ngoại hối sẽ không có những biến động lớn về tỷ giá cuối năm 2023.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục