Đồng USD mạnh trở thành nỗi đau mới với kinh tế thế giới

(ĐTCK) USD tăng giá mạnh trở thành cơn đau mới đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang “ê ẩm” vì đối phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi ở vị trí dễ bị tổn thương nhất bởi phải đối mặt với việc đồng nội tệ xuống dốc và nhu cầu giảm sút.
Đồng USD mạnh trở thành nỗi đau mới với kinh tế thế giới

Với việc USD đang gắn chặt với mọi lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu hơn bao giờ hết, đồng bạc xanh tăng giá ngay lập tức tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp và chính phủ nhiều quốc gia bởi chi phí đối với các khoản thanh toán bằng USD tăng lên.

Ðáng chú ý, ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi họ phải hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhưng nếu giảm quá mạnh, đồng nội tệ sẽ mất giá mạnh hơn nữa trước đà tăng của USD.

“USD mạnh hơn giáng thêm một đòn với các nền kinh tế mới nổi. Thực tế, việc USD tăng giá tác động lớn hơn nhiều tới thị trường tiền tệ so với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Tài sản của các thị trường mới nổi sẽ lâm vào cảnh khó khăn khi nhà đầu tư muốn rút lui khỏi mọi tài sản rủi ro và tìm tới nơi trú ẩn an toàn lúc này, nhất là tiền mặt”, Mitul Kotecha, chiến lược gia cấp cao thị trường mới nổi tại TD Securities cho biết.

Đồng USD mạnh trở thành nỗi đau mới với kinh tế thế giới ảnh 1

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ là cơ quan mới nhất hạ lãi suất khẩn cấp. Trước đó, Hàn Quốc, Chi-lê, Việt Nam, Sri Lanka và Pakistan đã theo chân Fed trong việc đưa lãi suất xuống thấp hơn. Nam Phi, Indonesia và Brazil được dự báo cũng sẽ có hành động tương tự.

Nghiên cứu mới nhất từ Bank for International Settlements cho thấy, kể từ khủng hoảng tài chính tới nay, chính việc USD duy trì đà leo dốc đã kìm hãm tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi đã đạt mức kỷ lục 30 tỷ USD chỉ trong 45 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế. Tất cả đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi đều giảm giá so với USD kể từ ngày 20/1/2020, trong đó, ruble (Nga) và peso (Mexico) giảm tới hơn 20%.

Nỗi đau được cảm nhận rõ hơn tại các thị trường mới nổi châu Á, khi các thị trường tài chính lao đao gợi nhắc tới khủng hoảng tài chính châu Á cách đây hơn 2 thập kỷ.

Ðồng rupiah của Indonesia trở thành đồng tiền giảm giá thảm nhất tại châu Á kể từ đầu năm tới nay khi giảm 8,9% so với SD. Ðồng won Hàn Quốc giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 tới nay, trong khi rupee Ấn Ðộ đã tạo đáy mới trong tuần trước.

“USD tăng giá là cơn gió lớn ngược chiều với đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Trong đó, ảnh hưởng tới các quốc gia đang dựa vào nguồn vốn ngoại cũng như thả nổi tỷ giá thậm chí còn mạnh hơn rất nhiều”, Todd Schubert, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản đầu tư mang lại thu nhập cố định tại Bank of Singapore nhận định.

Tất nhiên, không riêng các thị trường mới nổi, áp lực do USD tăng giá tác động tới mọi nền kinh tế trên toàn cầu. Ðồng tiền của Australia đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003, trong khi đồng krone (Na Uy) giảm hơn 16% kể từ đầu năm tới nay.

Trong bối cảnh này, 6 ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển, trong đó có Ngân hàng Trung ương Anh, Canada, Mỹ, Thuỵ Sỹ, châu Âu và Nhật Bản đã quyết định phối hợp nhằm tăng thanh khoản bằng USD.

Cụ thể, Fed sẽ tăng tần suất hoạt động hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương còn lại trên cơ sở tạm thời để giải quyết những căng thẳng về thanh khoản bằng USD ở thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa dịu bớt, bởi USD tiếp tục leo dốc trong 8 phiên giao dịch vừa qua, đẩy chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh tăng thêm 7,8% kể từ mức đỉnh gần nhất.

Ðây là lý do đầu tuần này, Fed cho biết sẽ mở rộng các hợp đồng hoán đổi tiền tệ với thêm 9 ngân hàng trung ương nữa (Australia, Brazil, Ðan Mạch, Hàn Quốc, Mexico, Na Uy, New Zealand, Singapore, Thuỵ Ðiển).

“Các doanh nghiệp trên toàn cầu, nhất là công ty nhỏ và vừa, đang rất khát USD trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trì trệ, thậm chí có thể đóng cửa vì dịch bệnh. Do đó, Fed phải đóng vai trò là nhà cung cấp - giảm bớt chi phí vốn và cố gắng đảm bảo rằng mọi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận với USD”, Bipan Rai tại CIBC Capital Markets nhận định.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục