Dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc ngày một lớn

(ĐTCK) Với viễn cảnh tăng trưởng không lấy làm sáng sủa, các biến động dữ dội trên thị trường chứng khoán, không ngạc nhiên khi dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc ngày càng tăng nhanh và người dân Trung Quốc ồ ạt đổi Nhân dân tệ sang USD.

Dòng tiền tháo chạy

Theo các chuyên gia tại JPMorgan Chase, dòng tiền rút ra khỏi Trung Quốc đã đạt mức gần 1.000 tỷ USD kể từ quý II/2014 cho tới nay.

“Việc dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc dường như đã leo lên một nấc mới, khi lượng tiền rút ra khỏi Đại lục ngày càng mở rộng, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và các công cụ đầu tư khác. Trong thời gian tới, nhu cầu rút tiền ra khỏi Trung Quốc là không có giới hạn”, JPMorgan nhấn mạnh trong báo cáo của mình.

Dòng tiền rút ra khỏi Trung Quốc đã đạt mức gần 1.000 tỷ USD kể từ quý II/2014 cho tới nay.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc chỉ tăng 7 tỷ USD trong quý III/2015, mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã rút 17 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc trong cùng thời kỳ.

Bên cạnh đó, các số liệu đáng ngờ về việc xuất nhập khẩu của Trung Quốc được cải thiện trong tháng 12/2015, sau chuỗi dài thông tin tiêu cực trước đó, làm bùng phát lên nghi ngờ rằng dòng tiền đã chảy ra ngoài Đại lục bằng các hóa đơn khống, một thực tế đã từng diễn ra trước đây. 

Người dân “tích cực” đổi Nhân dân tệ sang USD

Karen Chou, nhân viên ngân hàng 32 tuổi tại Bắc Kinh, đã tìm ra một giải pháp tài chính cho năm mới: bán Nhân dân tệ, mua vào USD.

“Tôi không lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc”, Chou cho biết, sau khi vội vã đổi số tiền tiết kiệm bằng Nhân dân tệ của mình sang USD.

Đây là lần đầu tiên, Chou lựa chọn USD thay vì Nhân dân tệ kể từ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phá giá kỷ lục Nhân dân tệ vào tháng 8 năm ngoái. Nhu cầu đổi Nhân dân tệ sang ngoại tệ từ những người như Chou đã tô đậm thêm nỗ lực bất thành của giới chức Trung Quốc trong việc khôi phục lại niềm tin của người dân vào đồng nội tệ, đồng thời đẩy xa hơn kỷ lục nắm giữ ngoại tệ của người dân Trung Quốc.

Một trong những mối nguy cơ khác mà PBoC đang phải đối mặt, bên cạnh việc dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục, là tình trạng người dân chuyển sang nắm giữ ngoại tệ trước tâm lý lo sợ đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục bị hạ giá thêm trong năm 2016. Chỉ số Shanghai Composite đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market) cuối tuần trước, khi đóng cửa ở mức thấp hơn cả đáy của đợt chấn động vào tháng 8/2015.

Theo ghi nhận từ các ngân hàng Trung Quốc, nhu cầu đổi Nhân dân tệ sang USD của người dân đã tăng vọt trong đầu năm 2016 so với các năm trước đó.

Người quản lý một chi nhánh Bank of China cho biết: “Ngày càng có nhiều người muốn chuyển Nhân dân tệ sang USD. Phần lớn mọi người đều có kế hoạch đối với số USD của mình, có thể là mua bất động sản tại nước ngoài hoặc đưa con đi du học”.

Hiện tại, người dân Trung Quốc nắm giữ 85,2 tỷ USD, theo số liệu mới nhất được công bố vào tháng 11/2015. Trong đó, số tiền này đã tăng thêm 13 tỷ USD riêng trong 11 tháng năm 2015.

“Trong vòng 1 đến 2 năm qua, người dân và các công ty Trung Quốc ngày càng có nhu cầu đối với việc gửi tiền bằng ngoại tệ và điều này sẽ có khả năng tạo thêm áp lực đối với dòng vốn chảy ra khỏi Đại lục”, Lu Wenjie, chiến lược gia tại UBS Group AG tại Thượng Hải cho biết.

Trong khi người dân Trung Quốc bị giới hạn bởi quy định chỉ được đổi Nhân dân tệ sang ngoại tệ tối đa ở mức 50.000 USD/người/năm, vẫn tồn tại những công cụ khác giúp người dân thoát khỏi giới hạn này, từ hợp nhất hạn ngạch cho tới giao dịch thông qua các ngân hàng ngầm.

Chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt kênh chuyển tiền ra nước ngoài kể từ năm ngoái, khi hạn chế rút tiền tại các cây ATM tại nước ngoài và các ngân hàng phải quan sát bất kỳ động thái rút tiền nào bất thường, nhằm ngăn chặn người dân sử dụng nhiều mối quan hệ khác nhau để chuyển tiền ra nước ngoài.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục