Dòng tiền sẽ hỗ trợ xu hướng tăng

(ĐTCK) Dòng vốn trên thị trường thế giới tiếp tục đổ mạnh vào các loại tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số và trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, trong tuần qua, thị trường cổ phiếu của Mỹ lập mức cao mới trong lịch sử, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,65% lên mức 22.203 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,35% lên 2.496 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,3% lên 6.429 điểm. Chỉ số của cổ phiếu công nghệ, Nasdaq, đang vượt qua các chỉ số trung bình khác với lợi suất 18,4% nhờ sự bứt phá của hãng công nghệ Apple, với sự kiện nổi trội nhất tuần là việc ra mắt sản phẩm iPhone 8 và iPhone X.

Dựa vào giá chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào các nhóm ngành trên thị trường Mỹ, chúng tôi nhận thấy dòng tiền vẫn ưa chuộng các nhóm ngành xương sống của tăng trưởng kinh tế như xây dựng nhà ở (ITB), tài chính (XLF), công nghệ (XLK), công nghiệp (XLI) và hàng tiêu dùng lâu bền (XLY). Các nhóm ngành phòng thủ như dịch vụ (XLU), tiêu dùng thiết yếu (XLP) và chứng chỉ quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITs) nhìn chung không được dòng tiền ưa chuộng. Khẩu vị rủi ro của dòng tiền cho thấy, niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp giá cả tăng yếu và lạm phát không đạt mục tiêu của giới chức tiền tệ.

Trong khi đó, 3 tháng gần đây, cổ phiếu khu vực châu Âu bị ảnh hưởng xấu bởi đồng Euro mạnh so với các đồng tiền khác như USD và yên Nhật. Tuy nhiên, thị trường này đã có một tuần giao dịch lạc quan sau giai đoạn suy yếu kể trên, khi chỉ số Euro Stoxx 50 bao gồm các cổ phiếu lớn nhất trong khu vực tăng 2,63% lên mức 3.526 điểm. Các chỉ số lớn trong khu vực như DAX của thị trường Đức, CAC của thị trường Pháp cũng trở lại xu hướng tăng.

Theo quan sát của chúng tôi, khẩu vị của dòng tiền còn nghiêng về ưa chuộng các thị trường mới nổi (EEM) và cận biên (FM) với lợi suất đầu tư lần lượt là 29,5% và 26,3% kể từ đầu năm tới nay, cao hơn mức 17% của thị trường phát triển (EFA).

Thị trường hàng hóa tuần qua nổi bật với sự tăng mạnh của dầu thô. Giá hợp đồng tương lai dầu Brent giao dịch trên thị trường châu Âu tăng 2,43% lên mức 55,5 USD/thùng. Dầu tăng giá hỗ trợ cho chỉ số hàng hóa GSCI trong bối cảnh các kim loại phục vụ sản xuất công nghiệp như đồng, nhôm, niken đều có sự điều chỉnh. Sự luân phiên của các hàng hóa chính trong rổ chỉ số như năng lượng và kim loại cho thấy, xu hướng giá của hàng hóa nhìn chung đang tiếp tục ấm lên và lạm phát kỳ vọng trở nên có cơ sở.

Tại thị trường nội địa, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua nằm trong xu hướng tăng của khu vực, chỉ số VN-Index tăng 0,57%, VN30-Index tăng 0,65%. Nhóm ngành tăng giá mạnh trong tuần qua là dệt may, chứng khoán, dược, thép, thủy sản, cao su, bảo hiểm, điện, khí, xây dựng, trong khi các nhóm ngành yếu là đường, xi măng và bất động sản.

Dòng tiền vẫn hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn nhưng điều quan trọng với nhà đầu tư cá nhân là làm sao duy trì được danh mục dài hạn có lợi suất tốt hơn mức trung bình. Chúng tôi ưu tiên nắm giữ các nhóm ngành chủ chốt đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam như tài chính (chứng khoán, ngân hàng, bất động sản), bán lẻ, công nghệ, xây dựng, vật liệu xây dựng và vật liệu cơ bản.

CTCK VNDIRECT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục