Các giao dịch mua ngắn hạn có thể sẽ ở thế bất lợi

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong tuần qua, nhưng thanh khoản của các cổ phiếu trong rổ chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh trong những ngày giảm giá cho thấy có động thái rút lui của dòng tiền. 
Các giao dịch mua ngắn hạn có thể sẽ ở thế bất lợi

Kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức trung bình trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến giữa tháng 8, nhưng lạm phát chưa có dấu hiệu nhích lên. Giá cả vẫn tăng rất khiêm tốn trên lãnh thổ Mỹ, báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày thứ Tư (6/9) cho biết.

Những nhà làm chính sách đã tăng lãi suất hai lần trong năm nay và triển vọng của lần tăng thứ ba trở nên kém rõ ràng trong bối cảnh giá cả tăng yếu, kinh tế tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Quan sát diễn biến giá chứng chỉ quỹ SPDR đầu tư vào các nhóm ngành để tìm xu hướng vận động, chúng tôi thấy xu hướng phòng thủ của dòng tiền. Các nhóm ngành gắn với triển vọng tăng trưởng như xây dựng nhà ở (ITB), tài chính (XLF), công nghiệp (XLI) và hàng tiêu dùng lâu bền (XLY) đang tạm mất dần sức hút và bị bán ra khiến lợi suất đầu tư giảm so với mức trung bình thị trường. Hiện tại, các nhóm ngành thể hiện tốt bao gồm chăm sóc sức khỏe (XLV) và dịch vụ (XLU), bên cạnh nhóm cổ phiếu công nghệ (XLK).

Như vậy, mặc dù công nghệ là nhóm nhạy cảm với tăng trưởng vẫn dẫn đầu, sự mạnh lên của nhóm dịch vụ cho thấy dòng vốn bắt đầu tìm kiếm sự an toàn. Tín hiệu này cảnh báo thị trường cổ phiếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu giảm dần sức hút.

Tuần qua, các thị trường trái phiếu quốc tế bật tăng mạnh, chứng chỉ quỹ iShares đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 7 - 10 năm giao dịch với khối lượng khá lớn, cho thấy dòng tiền đang dịch chuyển mạnh hơn vào nhóm tài sản này.

Diễn biến này được giải thích bởi Fed đang lưỡng lự trong việc tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay, cùng với quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bên cạnh đó, trái phiếu được nhìn nhận là một tài sản trú ẩn rủi ro tốt trong điều kiện xảy ra bất ổn địa chính trị.

Trong khi đó, giá cả các loại hàng hóa chủ chốt tiếp tục tăng mạnh, nổi bật là giá kim loại quý và giá dầu thô. Hợp đồng tương lai vàng đang giao dịch ở mức 1.358/ounce, cao nhất trong 1 năm trở lại đây, được hỗ trợ bởi sự suy yếu của USD và bất ổn địa chính trị liên quan đến bán đảo Triều Tiên.

Xu hướng tăng giá kim loại này còn được thúc đẩy bởi ngân hàng trung ương nhiều nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, kéo lạm phát kỳ vọng trở lại.

Thực tế, lạm phát đang diễn ra đối với các nhóm hàng hóa liên quan đến sản xuất công nghiệp như đồng, nhôm, quặng sắt và phôi thép. Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, đang là động lực lớn cho các kim loại sản xuất công nghiệp nói trên tăng giá. Thông thường, giá kim loại tăng là tín hiệu tốt cho tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Một mặt hàng quan trọng khác có diễn biến giá đáng chú ý là dầu thô. Giá dầu thô Brent giao dịch trên sàn hàng hóa London chạm mức 54,66 USD/thùng, sau báo cáo sản lượng của Mỹ sụt giảm do ảnh hưởng của cơn bão Harvey.

Một cơn bão khác, Irma, hướng tới Florida vào ngày Chủ nhật và thứ Hai (9 - 10/9), cũng khiến tâm lý đầu cơ đẩy giá dầu lên trong phiên giao dịch cuối tuần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong tuần qua, căn cứ vào lợi suất đầu tư khá cao của các chỉ số chính, VN-Index và VN30-Index. Tuy nhiên, giá trị giao dịch thấp là cơ sở để chúng tôi cho rằng, các giao dịch mua ngắn hạn sẽ ở thế bất lợi, vì thanh khoản thấp nghĩa là dòng tiền lớn đang đứng ngoài cuộc.

CTCK VNDIRECT

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục