Dòng tiền phân hóa theo kết quả kinh doanh quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh nhiều yếu tố vĩ mô diễn biến bất lợi, nhà đầu tư thận trọng hơn với quyết định giải ngân. Dòng tiền phân hóa, hướng vào các cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh quý III tích cực.
Chứng khoán là một trong những ngành dự báo có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực. Chứng khoán là một trong những ngành dự báo có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.

Dòng tiền vận động theo kỳ vọng

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), sau khi có nhịp tăng khá tốt kể từ đầu năm nhờ yếu tố chu kỳ, kỳ vọng của nhà đầu tư vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tăng trưởng, thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn kiểm định và đánh giá lại với thông tin thực tế về kết quả kinh doanh quý III.

Dòng tiền thu hẹp trong quá trình điều chỉnh khiến cho vận động luân chuyển không rõ rệt. Dù vậy, diễn biến giao dịch phân hóa theo kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực đang diễn ra ở một số nhóm cổ phiếu.

Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III nổi bật, triển vọng tăng trưởng tốt và thanh khoản vừa phải sẽ có lợi thế trong giai đoạn phân hóa của thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)

Một số nhóm ngành dự báo có tăng trưởng lợi nhuận quý III/2023 tốt như công nghệ, chứng khoán, dầu khí, hóa chất, dệt may, hay một số doanh nghiệp nhóm bất động sản khu công nghiệp… có vận động giá đi trước và khi thông tin được công bố là thời điểm diễn ra hoạt động chốt lãi.

Xu hướng dòng tiền sẽ dịch chuyển vào các lớp cổ phiếu đã giảm sâu hoặc có triển vọng tích cực. Thị trường đang chứng kiến sự dịch chuyển nhẹ sang các nhóm cổ phiếu ngành cảng biển và điện trong vài phiên giao dịch vừa qua.

“Chúng tôi đánh giá sự dịch chuyển hiện tại chỉ là sự thích ứng của dòng tiền trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý III. Vận động luân chuyển này sẽ diễn ra khá nhanh”, ông Khoa nói và cho rằng, trên cơ sở đánh giá các yếu tố trong nước và quốc tế, một số ngành sẽ có lợi thế vào cuối năm như xuất khẩu, đầu tư công, khu công nghiệp, nhóm hàng hóa và công nghiệp.

Nhìn nhận thị trường chứng khoán trong nước không có nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt khiến xu hướng hồi phục khó khăn, ông Khoa dự báo, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ hình thành vùng tích lũy từ 1.107 - 1.170 điểm và phân hóa mạnh trong tháng 10/2023 trước khi xác lập xu hướng rõ ràng hơn. Do vậy, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III nổi bật, triển vọng tăng trưởng tốt và thanh khoản vừa phải sẽ có lợi thế trong giai đoạn này.

Điểm sáng lợi nhuận quý III

Bất động sản khu công nghiệp là một trong số ít ngành giữ được sắc thái tích cực trên báo cáo tài chính quý III/2023. Yếu tố then chốt cho sự tích cực này là thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn giữ vững phong độ, thậm chí giải ngân vốn FDI trong tháng 9 vừa qua đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Tổng công ty cổ phần Viglacera (mã VGC) vừa công bố kết ước tính kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất của Viglacera đạt 1.590 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ đạt 1.694 tỷ đồng, lần lượt vượt kế hoạch năm 31% và 29%.

Bất động sản khu công nghiệp vẫn là mảng kinh doanh đóng góp chủ yếu vào kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2023 của Tổng công ty, với khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng.

Trong quý IV/2023, doanh nghiệp tập trung vào công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công xây lắp hạ tầng, đẩy mạnh công tác bán hàng tại các dự án nhà ở và khu công nghiệp, tiếp tục mở rộng, phát triển các khu công nghiệp và nhà ở cho các năm tiếp theo.

Viglacera cũng cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai các thủ tục thoái vốn Nhà nước theo chủ trương của Bộ Xây dựng, đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh của năm 2024 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2024 - 2028.

Công ty Chứng khoán DSC dự báo, bức tranh tổng quan của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp là tích cực, tuy nhiên về mặt tăng trưởng trong quý III sẽ có sự khác biệt khá lớn, bởi đặc tính biến động của lợi nhuận do phụ thuộc vào giá trị các hợp đồng được hoàn thành trong kỳ.

Các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ở nền thấp trong cùng kỳ năm trước, đôi khi có thể là quý liền trước sẽ có dư địa tăng trưởng tích cực hơn như Viglacera, Sonadezi Châu Đức (mã SZC), Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (mã BCM).

Nhiều doanh nghiệp niêm yết thua lỗ trong quý III/2022 dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đột biến trong quý III năm nay, đơn cử như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG). Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, quý vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đạt lợi nhuận ròng 2.100 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với quý trước đó và phục hồi mạnh so với số lỗ 1.800 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với quý trước và giá than giảm.

Một số doanh nghiệp ngành dầu khí dự báo có lợi nhuận quý III tăng trưởng. SSI dự phóng lợi nhuận ròng quý III của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đạt 3.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với quý liền trước và cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 8%, giá dầu tăng cũng như chênh lệch giá crack (chênh lệch giữa dầu thô và sản phẩm) trong quý gần đây.

Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã PLX) được kỳ vọng đạt 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III/2023, tương đương tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm 2022 và 60% so với quý II/2023, nhờ khả năng ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP PGBank (PGB), cũng như kết quả hoạt động kinh doanh cốt lõi cao hơn nhờ sản lượng tiêu thụ ổn định và giá xăng dầu tăng trong tháng 7 và tháng 8/2023.

Ở nhóm công ty chứng khoán, mặc dù thị trường ghi nhận biến động khá mạnh trong tháng 9/2023, nhưng tính chung trong quý III/2023 thì vẫn là quý “ăn nên làm ra” khi thanh khoản duy trì ở mức cao, đặc biệt là khi so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và giá trị giao dịch tăng giúp nguồn thu từ mảng môi giới và cho vay margin của các công ty chứng khoán tích cực trong quý này.

Ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC cho biết, dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2023, Chứng khoán DSC đạt 119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, vượt hơn 20% kế hoạch cả năm (là 97 tỷ đồng).

Trong đó, doanh thu các mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty đều có sự tăng trưởng mạnh, từ tự doanh cho đến nghiệp vụ môi giới, cho vay ký quỹ… Một điểm đáng chú ý là sự xuất hiện của khoản doanh thu mới ở mảng tư vấn, sau khi ghi nhận doanh thu từ một số thương vụ thời gian vừa qua.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cho thấy, Công ty ghi nhận doanh thu trong quý đạt 539 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của MBS đạt 1.276 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 411 tỷ đồng.

Chưa có con số cụ thể nhưng Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, lợi nhuận quý III/2023 sẽ tăng mạnh so với con số 112 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Chứng khoán SSI cũng được dự báo có thể ghi nhận mức lãi trước thuế 980 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng đột biến so với mức 415 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của SSI có thể đạt 2.300 tỷ đồng, bằng 90,6% kế hoạch cả năm.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ