Làn sóng chỉ trích
2 ngày vừa qua, trong phiên họp của Ủy ban Dịch vụ tài chính của Quốc hội Mỹ, đồng tiền Libra của Facebook trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý và nhận về không ít sự phản đối.
Chủ tịch Ủy ban Maxine Waters cho rằng, nếu Facebook phát hành Libra, công ty này sẽ sở hữu “sức mạnh cực kỳ to lớn đủ sức phá vỡ” hệ thống quản lý của các ngân hàng trung ương và chính phủ.
Theo đó, ủy ban này cũng với các ủy ban khác của Quốc hội đang tiến hành thiết lập các hàng rào quản lý để tạm thời ngăn chặn, kiểm soát quá trình chuẩn bị ra mắt Libra của Facebook, cho tới khi mọi vấn đề có biện pháp giải quyết rõ ràng.
Trước thái độ kiên quyết này, David Marcus, lãnh đạo cấp cao phụ trách dự án Libra của Facebook cho biết, Công ty sẽ không liều lĩnh đi trước với dự án tiền điện tử cho tới khi các nhà quản lý và chính phủ cảm thấy hài lòng.
Không riêng Ủy ban Dịch vụ tài chính, nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ từ cả 2 đảng dẫn đầu đều đặt ra nhiều câu hỏi về các chính sách an ninh và thực tiễn thực thi của Facebook, bao gồm sai lầm liên quan tới scandal tiết lộ thông tin người dùng, dẫn tới việc Hội đồng Thương mại liên bang phạt Công ty 5 tỷ USD.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tiếng nói “thù địch” rõ ràng khi đăng dòng trạng thái trên trang mạng xã hội của mình khẳng định ông “không phải người hâm mộ” của tiền điện tử nói chung và Libra nói riêng. Theo ông Trump, Libra không có tính chất bền vững và đáng tin cậy.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell chia sẻ trước Quốc hội rằng, ông có nhiều mối lo lắng nghiêm túc về tiền điện tử, trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin mô tả Libra như một vấn đề an ninh quốc gia, khi đồng tiền này mở ra cánh cửa cho hoạt động rửa tiền, cùng nhiều hành vi bất hợp pháp khác.
Những thử thách khác
Tương tự các đồng tiền điện tử khác, Libra phải giải quyết các vấn đề về an ninh và chính sách bảo mật thông tin người dùng. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là có thể thành công hiện hữu trong đời sống của người sử dụng.
Các đồng tiền điện tử như Bitcoin đều đã từng thử và gặp thất bại trong việc trở thành một phương tiện thanh toán được chấp nhận. Ngay cả một đồng tiền mang tính chất ổn định như Tether cũng chỉ được các nhà giao dịch sử dụng như một công cụ tạm thời vào các thời điểm thị trường biến động lớn.
Bên cạnh đó, trên thị trường không thiếu các đối thủ của Libra. Facebook giới thiệu dịch vụ sử dụng tiền Libra của mình bằng cách gửi tiền thông qua việc nhắn tin. Nhưng đây là cách thức đã được nhiều công ty lớn đi trước sử dụng như Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple Cash, Venmo (PayPal Holdings Inc) và Circle…
Chưa kể, Facebook cũng nhắm tới thị trường tại các quốc gia đang phát triển, tương tự nhiều doanh nghiệp lớn khác và thực tế, các dịch vụ này đều đã có mặt tại đây.
Doanh thu của Facebook đang giảm dần trong những năm gần đây và Công ty cần tìm hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nguồn doanh thu bên ngoài hoạt động quảng cáo. Libra có thể mở ra cơ hội mang về dòng tiền mới trong hoạt động thanh toán và thương mại. Tuy nhiên, con đường mới bao giờ cũng chông gai và khả năng Libra có thể trụ vững trước sóng gió vẫn còn cần thêm thời gian để trả lời.