Sắc xanh mong manh
Nhìn lại 2 phiên đầu tuần qua (4 - 5/7), nhóm cổ phiếu ngân hàng được giao dịch tích cực, nhưng một mình nhóm này không “cân” được chỉ số khi đa số nhóm ngành khác giảm mạnh, khiến VN-Index thủng đáy cũ 1.156 điểm. Sắc xanh của nhóm cổ phiếu “vua” chưa lan tỏa ra nhiều nhóm ngành khác, nên khả năng hồi phục của thị trường vẫn mong manh.
Nhiều nhà đầu tư không còn kỳ vọng vào mẫu hình 2 đáy, bởi VN-Index đã không thể vượt qua ngưỡng kháng cự để đến vùng 1.315 - 1.320 điểm nhằm xác nhận mẫu hình thành công.
Đáng lưu ý, lực bán gia tăng ở mỗi nhịp “khởi nghĩa” trong nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ khiến chỉ số giảm sâu hơn. Các nhóm cổ phiếu được coi là mạnh như thủy sản, bán lẻ, điện nước… đều giảm giá.
Mẫu hình tam giác hướng xuống có xác suất xảy ra cao hơn khi chỉ số gãy đường xu hướng, đóng cửa phiên 6/7/2022 ở dưới 1.150 điểm, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên chán nản. Mặc dù sắc xanh xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần, nhưng nỗi lo thị trường giảm điểm vẫn thường trực.
Điểm tích cực nếu nhìn nhận ở góc độ kỹ thuật là từ năm 2020 đến nay, VN-Index có 3 vùng giá có sự tích lũy khối lượng lớn là 1.500 điểm, 1.350 điểm và hiện tại là 1.180 điểm. Sự tích lũy khối lượng giúp các vùng giá này trở thành ngưỡng hỗ trợ - kháng cự mạnh. Theo đó, trong kịch bản lạc quan, thị trường trong quý III/2022 sẽ đi ngang, dao động trong biên độ 1.180 - 1.350 điểm.
Về yếu tố định giá, đợt điều chỉnh của thị trường kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay đã đưa mặt bằng giá các cổ phiếu về gần bằng với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tháng 3/2020.
Thanh khoản và niềm tin dần cạn kiệt
“Khi room (hạn mức tăng trưởng) tín dụng cạn dần, hầu hết các khoản có thể cơ cấu thì ngân hàng đã cắt rồi (nhằm dành vốn cho các lĩnh vực ưu tiên), trong đó, kênh rủi ro như chứng khoán bị cắt mạnh tay nhất”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng cho biết.
Trong các phiên giao dịch gần đây, hầu hết cổ phiếu được tập trung đặt mua ở mức giá sàn, cho thấy dòng tiền chưa thể hiện quyết tâm giải ngân, dù nhiều cổ phiếu được nhìn nhận có mức định giá hấp dẫn.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, nhưng tâm lý lo ngại chứng khoán có nguy cơ giảm thêm khiến họ chưa dám mạnh tay mua vào. Bên cạnh đó, hầu hết các kênh cung ứng tiền cho hoạt động đầu tư chứng khoán đều đang bị siết lại.
Trên các kênh tư vấn, không ít công ty chứng khoán tiếp tục khuyến cáo, nhà đầu tư không tham gia lúc này, bởi thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, thanh khoản thị trường dần suy giảm.
“Những phiên thị trường chuyển động tích cực là lập tức có nhiều nhà đầu tư tăng cường bán ra và không giao dịch trở lại, mà lấy rút tiền để gửi tiết kiệm”, một chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nói và nhận định, trong thời gian tới, thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ dần cạn kiệt.
“Thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Nhà đầu tư dài hạn có thể tích lũy cổ phiếu trong các phiên giảm điểm, nhưng cần tránh tình trạng tranh mua giá cao trong các phiên tăng điểm”, vị chuyên gia tại SHS nhấn mạnh.
Theo tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở Hà Nội, gần đây, nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng, sau khi lãi suất USD tại Mỹ tăng mạnh. Nhà đầu tư trong nước có tâm lý thận trọng, hạn chế mua vào, thậm chí quyết định thoát khỏi thị trường, hoặc tạm thời đứng ngoài.
Tình cảnh thanh khoản hiện tại có thể so sánh với giai đoạn năm 2008. Khi đó, quy mô thị trường và nền kinh tế ở mức thấp. Hiện nay, hàng hóa trên thị trường dồi dào, số lượng nhà đầu tư tăng mạnh, song thanh khoản lại yếu, gần trở về tình trạng cách đây hơn một thập kỷ.
“Điều này cho thấy, thị trường có thể dần cạn kiệt cả niềm tin,” vị tổng giám đốc công ty chứng khoán nhận xét, nhưng chia sẻ kỳ vọng rằng, thị trường chứng khoán sẽ sớm khởi sắc trở lại khi nỗi lo về dòng tiền cũng như áp lực lạm phát được giải tỏa bằng chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô.