Hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu
Trong câu chuyện dò đáy thị trường thời gian qua, nhiều nhà đầu tư chú ý đến nhóm cổ phiếu dầu khí. Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Hoà cho biết, nhóm dầu khí có tín hiệu tạo đáy trước thị trường chung như các mã PVC, PVS, PVT và đang tiếp tục phục hồi. Với nhịp bắt đáy 2 - 3 tuần qua, ông Hòa tập trung vào nhóm dầu khí.
Tương tự, nhà đầu tư Nguyễn Xuân Hùng cũng đã bắt đáy một số mã ngành này và nhận định, về dài hạn, dầu khí là nhóm có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Theo Liên bộ Công thương - Tài chính, nguồn cung dầu khí, đặc biệt cho khu vực châu Âu bị ảnh hưởng từ việc cấm vận đối với các sản phẩm từ Nga, trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, nhu cầu một số mặt hàng xăng dầu tăng khi đang vào mùa lái xe mùa hè tại nhiều nước châu Âu, Mỹ. Hai yếu tố đó đã đẩy giá mặt hàng xăng dầu tăng cao.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới ngày 23/5/2022 là 141 USD/thùng xăng RON 92, tăng 3,21% so với ngày 11/5 và tăng 64% so với đầu năm; giá xăng RON 95 đạt hơn 146 USD/thùng, tăng 3,62% so với ngày 11/5 và tăng 67% so với đầu năm.
Thực tế cho thấy, khi giá dầu tăng mạnh, những doanh nghiệp sản xuất xăng dầu được hưởng lợi đầu tiên như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, mã chứng khoán OIL), Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR).
Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý I/2022. Cụ thể, PV OIL báo lãi 219 tỷ đồng, tăng 54%; công ty mẹ BSR lãi 2.324 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo BSR, nhu cầu về dầu của các doanh nghiệp phục hồi khi hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại nhịp độ bình thường trước khi có dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quý đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu tại BSR lại giảm, bởi giá đầu vào tăng cao. BSR chia sẻ, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung, Công ty phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao từ nhà cung cấp khác, nên biên lợi nhuận gộp giảm.
Giá dầu tăng cao cũng tác động đến giá khí đầu ra mà Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) là đơn vị hưởng lợi. Quý I/2022, lợi nhuận của GAS đạt 3.248 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức lãi cao nhất của Tổng công ty kể từ năm 2018 đến nay.
Trong nhóm dầu khí, các cổ phiếu có mức độ tương quan lớn nhất với giá dầu là BSR, PVD, PVS, OIL. Mức độ phục hồi giá của nhóm này hiện cao hơn nhiều so với thị trường chung.
Nhiều doanh nghiệp dầu khí khác như Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT)… cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Đáng chú ý, PVS ghi nhận 250 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2022, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 51% mục tiêu cả năm 2022. Năm nay, PVS đặt kế hoạch đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt đã nâng dự báo giá dầu thô Brent trung bình năm 2022/2023 thêm hơn 20%, từ 70/65 USD/thùng lên 85/80 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá khí đốt trong nước có thể tăng thêm 9% trong năm nay.
Giới phân tích nhận định, kết quả kinh doanh quý II/2022 của nhóm dầu khí sẽ tiếp tục khả quan. Riêng GAS đã công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 37.460 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.544 tỷ đồng.
Lọc tìm cơ hội
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, thị trường phục hồi, nhưng nhà đầu tư cần lọc tìm kỹ cơ hội, lựa chọn những cổ phiếu có định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Về nhóm cổ phiếu dầu khí, thị trường năng lượng biến động mạnh, khó đoán định, nhưng một số xu hướng nổi lên đang định hình triển vọng của ngành dầu khí. Một loạt siêu dự án trong chuỗi giá trị điện khí LNG được công bố gần đây khiến LNG trở thành phân khúc hứa hẹn nhất trong vài năm tới. Nhà đầu tư có thể xem xét các doanh nghiệp có mức độ liên quan đến LNG như GAS.
Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại bầu trời là tín hiệu tốt cho sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PV OIL, BSR, Petrolimex có khả năng được hưởng lợi.
Ở nhóm dịch vụ, PVS ít phụ thuộc vào giá dầu do danh mục đầu tư đa dạng, bao gồm tàu biển, cảng, kho chứa dầu nổi, cơ khí dầu khí (M&C)... Năm nay, doanh thu, lợi nhuận của PVS dự kiến được thúc đẩy bởi khối lượng công việc lớn hơn cho mảng dịch vụ cơ khí (M&C), lợi nhuận ổn định từ dịch vụ kho nổi FSO/FPSO và khoản lợi nhuận bất thường 50 tỷ đồng từ thanh lý tài sản.
Mảng FSO/FPSO là điểm sáng nhất trong hoạt động kinh doanh của PVS từ năm 2021 đến nay. Đây là dịch vụ chiến lược mang tính ổn định, lâu dài do gắn liền với hoạt động khai thác các mỏ dầu. PVS hiện sở hữu 6 kho nổi FSO/FPSO phục vụ các hoạt động khai thác của khách hàng tại các mỏ trong và ngoài nước.
Với PVD, doanh nghiệp này cũng nhận tác động gián tiếp từ việc giá dầu tăng. Giá dầu thô cao hơn có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò và sản xuất, đồng thời dẫn đến nhiều việc làm hơn và giá thuê ngày giàn khoan tự nâng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Trên sàn chứng khoán, giá đóng cửa cuối tuần qua so với đáy gần nhất của cổ phiếu BSR cao hơn 29%, tỷ lệ này của cổ phiếu PVS là 25%, cổ phiếu PVD là 34%, cổ phiếu OIL là 23%...
Bên cạnh giá tăng thì thanh khoản cổ phiếu gần đây được cải thiện, PVS ghi nhận khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt 13,1 triệu đơn vị, BSR đạt 8,2 triệu đơn vị, PVD đạt 6,8 triệu đơn vị, OIL đạt 1,25 triệu đơn vị...
Nhà đầu tư đang phấn khởi, nhưng mức độ phục hồi giá của nhóm cổ phiếu dầu khí cao hơn nhiều so với thị trường chung (VN-Index tăng gần 10% so với đáy) nên áp lực bán nhằm hiện thực hóa lợi nhuận có thể gia tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng đến đà hồi phục, nhất là trong trường hợp thị trường chung chững lại.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các yếu tố tác động đến ngành dầu khí như diễn biến giá dầu, tiến độ các dự án năng lượng lớn, động thái tăng/giảm sản lượng khai thác, tình hình dịch Covid-19, các biến động địa chính trị trên thế giới...