
Những động thái tích cực từ cơ quan quản lý gần đây giúp tăng thêm khả năng hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá của FTSE vào tháng 9 tới, đang tiếp sức cho đà tăng mạnh mẽ của thị trường.
Bên cạnh đó, hiệu ứng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) cũng khiến nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền hơn. Chỉ trong phiên giao dịch sáng 9/7, thanh khoản thị trường đã lên tới hơn 17.000 tỷ đồng và chỉ số VN-Index tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới của năm với điểm tựa vững chắc từ nhóm cổ phiếu vua.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu sôi động và lan tỏa đã giúp thị trường thử thách lại mốc 1.430 điểm. Tuy nhiên, cũng như phiên sáng, VN-Index chỉ đứng ở vùng giá này trong thời gian khá ngắn rồi nhanh chóng quay đầu.
Những tưởng đây sẽ là vùng cản mới của thị trường và VN-Index có thể quay đầu khi lực bán xuất hiện tại thời điểm 14h, nhưng đà tăng mạnh đã nhanh chóng trở lại giúp chỉ số chung “công phá” thành công đỉnh mới 1.430 điểm với thanh khoản tăng vọt lên cao nhất trong gần 3 tháng. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 của thị trường với tổng mức tăng lên tới gần 50 điểm và thanh khoản trung bình đạt hơn 28.200 tỷ đồng/phiên.
Mặc dù RSI và một số chỉ báo kỹ thuật đang vào vùng quá mua có thể khiến thị trường xuất hiện những đợt điều chỉnh kỹ thuật, nhưng theo giới phân tích, khi điều chỉnh xong, thị trường sẽ lấy đà để leo lên những vùng cao mới và VN-Index có thể vượt 1.500 – 1.550 điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 192 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index tăng 15,86 điểm (+1,12%), lên 1.431,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,5 tỷ đơn vị, giá trị 35.431,5 tỷ đồng, tăng 22,95% về khối lượng và 25,23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,8 triệu đơn vị, giá trị 958,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 kết phiên tăng 14 điểm với 23 mã tăng và 6 mã giảm. Trong đó, đóng góp lớn nhất vẫn là cổ phiếu VCB với mức tăng ấn tượng 4,2%, đóng cửa đứng tại mức giá 61.500 đồng/CP và thanh khoản khủng, lên tới 16,45 triệu đơn vị, cùng khối ngoại mua ròng tới gần 4,2 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó, cặp đôi lớn nhà Vingroup đua nhau khởi sắc trong phiên chiều, đã đóng góp hơn 4 điểm cho chỉ số chung. Kết phiên VHM tăng 3,3% lên mức 81.800 đồng/CP, còn VIC tăng 1,8% lên mức giá cao nhất 95.000 đồng/CP.
Bên cạnh điểm tựa vững chắc từ nhóm bluechip, ở nhóm cổ phiếu nhỏ, các mã TCD, HAR, LDG, PLP, DRH, ORS đều trong trạng thái trắng bên bán với khối lượng dư mua trần chất đống, điển hình như LDG dư mua trần 7,5 triệu đơn vị, DRH dư mua trần hơn 2,3 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, chứng khoán vẫn thuộc top đầu của thị trường. Trong đó, ORS giữ vững đà tăng trần với thanh khoản đạt hơn 25,4 triệu đơn vị, SSI tăng 5,5% và khớp lệnh lên tới hơn 72,5 triệu đơn vị cùng khối ngoại mua ròng gần 17 triệu đơn vị; CTS tăng 4,8%; AGR và TCI cùng tăng 3,95, VDS tăng 3%, VIX tăng 2,6% và khớp hơn 60,3 triệu đơn vị, VND tăng 1,4% và khớp 36,6 triệu đơn vị…
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vua vẫn là động lực chính của thị trường. Trong đó, “anh cả” VCB đã đóng góp tới hơn 5 điểm cho chỉ số chung và vốn hóa lên tới hơn 513.870 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngân hàng khác như VPB tăng 2,3% và khớp 66,4 triệu đơn vị, TPB tăng sát trần 6,4% và khớp hơn 62 triệu đơn vị, HDB tăng 3% và khớp 34,2 triệu đơn vị… Tuy nhiên, mã sôi động nhất thị trường là SHB khớp tới hơn 111,6 triệu đơn vị, lại đóng cửa giảm 1,1% xuống mức 14.000 đồng/CP, dù khối ngoại vẫn mua ròng tới gần 19 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thuộc top 3 tăng tốt nhất thị trường là nhóm bất động sản, với công đóng góp lớn nhờ các cổ phiếu nhà Vingroup. Ngoài ra, một số mã đáng chú ý khác của ngành như DXG, DIG, PDR đều tăng nhẹ và thanh khoản đạt hơn 20 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu HNX30 chuyển qua trạng thái phân hóa và rung lắc khiến thị trường hạ độ cao.
Đóng cửa, sàn HNX có 105 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,4%), lên 238,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 165,9 triệu đơn vị, giá trị 2.756,2 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán vẫn là tâm điểm của thị trường, trong đó SHS đóng cửa tăng 1,4% và khớp lệnh tới gần 47,8 triệu đơn vị, MBS tăng 2,1% và khớp hơn 13 triệu đơn vị, VG tăng 3,1% và khớp 2,17 triệu đơn vị, APS tăng 7,5% và khớp 2,1 triệu đơn vị, BVS tăng 2,4% và khớp 1,9 triệu đơn vị…
Trong khi đó, cổ phiếu VFS vẫn là mã duy nhất trong nhóm đi ngược xu hướng chung. Đóng cửa, VFS giảm 1% xuống mức 20.800 đồng/Cp và thanh khoản đạt 8,24 triệu đơn vị.
Ngoài điểm sáng ngành chứng khoán, thị trường còn đón nhận một số con sóng nhỏ lẻ như MST có thời điểm tăng trần và đóng cửa tăng 5,3% với thanh khoản đạt hơn 7,8 triệu đơn vị; NRC tăng 3,8%, IDJ tăng 2%, VGS tăng 3,3% với thanh khoản vài triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,53%), lên 102,5 điểm với 167 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 123,3 triệu đơn vị, giá trị 3.403,7 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng ABB có thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 6,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,5% lên mức giá 8.900 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng khởi sắc chung của ngành, với SBS đóng cửa tăng 8,5% và thanh khoản chỉ thua ABB, đạt 6,64 triệu đơn vị; AAS tăng 3,4% và khớp 1,77 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác như MSR tăng 3,8% và khớp 4,5 triệu đơn vị, AAH tăng 5% và khớp 3,5 triệu đơn vị, C4G tăng 2,4% và khớp 2,65 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai 41I1F7000 tăng 21 điểm, tương đương 1,4% lên 1.533 điểm, khớp lệnh hơn 245.920 đơn vị, khối lượng mở hơn 61.510 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CVPB2407 thanh khoản dẫn đầu đạt xấp xỉ 6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 42,9% lên 100 đồng/cq; tiếp theo là CVIB2406 khớp 3,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 17,4% lên 270 đồng/cq.