Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, thị trường phủ sắc xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa cao hơn vào phiên thứ Sáu (14/5) nhờ lực mua bắt đáy sau khi nhận được dữ liệu kinh tế ổn định, khép lại tuần đầy biến động gây ra bởi nỗi lo lạm phát.
Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, thị trường phủ sắc xanh

Đầu ngày thứ Sáu, thị trường đón nhận báo cáo doanh số bán lẻ tháng 4 do Bộ Thương mại Mỹ công bố. Theo đó, sau khi đẩy mạnh việc mua sắm trong tháng 3 nhờ trợ cấp tiền mặt từ chính phủ, người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu chậm lại trong tháng 4 với tổng doanh số bán lẻ duy trì ổn định quanh ngưỡng dưới 620 tỷ USD, gần như đi ngang so với tháng trước và tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020, giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ tại Mỹ.

Theo giới phân tích, tổng doanh số bán lẻ tháng 4 không biến động nhiều so với tháng 3 là do sự sụt giảm trong chi tiêu cho quần áo, đồ thể thao, đồ nội thất, xăng dầu… được bù đắp bởi việc tăng chi cho xe hơi, đồ điện tử, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller hôm thứ Năm cho biết, Fed cần xem "dữ liệu vài tháng nữa" trước khi xem xét thay đổi đối với chính sách nới lỏng tiền tệ, bất chấp báo cáo lạm phát CPI tăng bất ngờ trong tháng 4.

Về dữ liệu kinh tế khác, chỉ số giá nhập khẩu tháng 4 cho thấy mức tăng 10,6% trong vòng một năm qua, mức cao nhất trong 10 năm.

Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng Mỹ bất ngờ giảm sút trong tháng này. Theo đó, chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan nghiên cứu đã giảm xuống mức 82,8 trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Dow Jones tăng 360,68 điểm (+1,06%), lên 34.382,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 61,35 điểm (+1,49%), lên 4.173,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 304,99 điểm (+2,32%), lên 13.429,98 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,14%, S&P 500 giảm 1,39%, Nasdaq Composite giảm 2,34%.

Chứng khoán châu Âu tăng vọt vào thứ Sáu, dẫn đầu bởi cổ phiếu năng lượng và bán lẻ sau khi quan chức của Fed cho biết sẽ không có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai gần, giảm gánh nặng về lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 80,28 điểm (+1,15%), lên 7.043,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 216,96 điểm (+1,43%), lên 15.416,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 96,81 điểm (+1,54%), lên 6.385,14 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 1,12%, DAX tăng 0,11%, CAC 40 giảm 0,01%.

Chứng khoán châu Á phủ sắc xanh trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh nhờ lực mua bắt đáy sau những phiên giảm mạnh, song vẫn không thể thoát khỏi một tuần giảm điểm trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng và lạm phát của Mỹ đe dọa.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính và chăm sóc sức khỏe.

Chứng khoán Hồng Kông tăng theo chân các thị trường châu Á khác, nhưng cũng đã giảm khá mạnh trong tuần do áp lực bán tháo ở nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục khi giới đầu tư bắt đáy và nỗi lo lạm phát tại Mỹ vơi dần.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 636,46 điểm (+2,32%), lên 28.084,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 60,84 điểm +1,77%), lên 3.490,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 308,90 điểm (+1,11%), lên 28.027,57 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,21 điểm (+1,00%), lên 3.153,32 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 4,34%, Shanghai Composite tăng 2,09%, Hang Seng giảm 2,04%, KOSPI giảm 1,37%.

Giá vàng thế giới phiên cuối tuần tiếp tục đi lên bởi áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu và sự bất ổn kinh tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn sự nguy hiểm tiếp tục tạo ra tâm lý cần trú ẩn vào kim loại quý.

Kết thúc phiên 14/5, giá vàng giao ngày tăng 17,40 USD (+0,95%), lên 1.843,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 20,00 USD (+1,096%), lên 1.844,0 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,72%, giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,69%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có tới 10 người dự báo vàng sẽ tăng giá, chỉ 1 người cho rằng giá vàng đi ngang và 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm.

Đối với khảo sát trực tuyến với 464 người tham gia, 71% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 17% cho rằng giá vàng giảm và 11% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu quay đầu hồi phục trong phiên ngày thứ Sáu, được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán mạnh lên và đồng USD trượt giá, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi tình trạng dịch bệnh ở nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ.

Ngoài ra, thủ đô Washington của Mỹ vẫn cạn kiệt xăng vào thứ Sáu mặc dù đã khởi động lại đường ống bị gián đoạn bởi tin tặc vào hôm 13/5. Đường dẫn ống này là đường dẫn chính từ các nhà máy lọc dầu vùng Vịnh đến Bờ Đông Mỹ.

Kết thúc phiên 14/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,55 USD (+2,37%), lên 65,37 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,66 USD (+2,42%), lên 68,71 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 0,7%, giá dầu Brent tăng 0,6%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục