Hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, tổng lượng khách du lịch do các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ước thực hiện tháng 11/2024 là 300.000 lượt (tăng 10,12% so cùng kỳ), trong đó có 2.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước thực hiện trong tháng 11/2024 là 150 tỷ đồng.
Tính chung 11 tháng của năm 2024, Đồng Tháp đón 4,1 triệu lượt khách, đạt 100,47% kế hoạch năm; tổng doanh thu du lịch là 2.020 tỷ đồng, đạt 100,02% kế hoạch năm. Tổng lượng khách quốc tế ước thực hiện 11 tháng của năm 2024 khoảng 36.500 lượt (tăng gấp 3 lần so với năm 2023). Hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch du lịch năm 2024 trước 1 tháng.
Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kết nối tour tuyến. Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng, hoàn chỉnh một số mô hình, điểm du lịch mới đưa vào hoạt động và dự kiến đưa vào hoạt động như điểm tham quan du lịch Tiên Sen (huyện Thanh Bình), du lịch sinh thái Hoàng Sơn (huyện Châu Thành); hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình du lịch mới như mô hình chợ quê Tràm Chim (huyện Tam Nông), chợ phiên làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự).
Triển khai đến các địa phương, khu, điểm du lịch hoạt động bình chọn điểm đến du lịch hấp dẫn TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024. Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch cùng với các địa phương trong tỉnh phối hợp đề xuất ứng viên tham gia Giải thưởng ASEAN 2025. Tiếp tục giới thiệu và quảng bá các tour tham quan trải nghiệm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức giới thiệu và chào bán các tour du lịch của tỉnh, góp phần quảng bá và nâng cao hình ảnh du lịch của Đồng Tháp.
Về công tác liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương, ngành du lịch phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư để tổ chức trưng bày tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch ĐBSCL” tại TP. Cần Thơ. Qua sự kiện đã tạo sự liên kết, lan tỏa giữa tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL theo hướng bền vững, cùng phát triển.
Đề xuất tỉnh chuẩn bị tham gia Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Cao Bằng năm 2024, đề xuất tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch các địa phương trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch Bình Thuận 2024 và gian hàng du lịch Việt Nam tại Hội chợ CITM 2024…
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan, thực hiện công tác truyền thông quảng bá và thiết kế chương trình kích cầu du lịch năm 2024 với các nội dung mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt, xây dựng phát triển thêm các chương trình du lịch an toàn, thân thiện. Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch đến với Đồng Tháp.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tiếp tục được tỉnh thực hiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Đồng Tháp đã tổ chức 4 lớp tập huấn gồm: lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm đến trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; lớp tập huấn kỹ thuật chế biến các món ăn từ sen; lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng trong hoạt động du lịch và lớp tập huấn kiến thức xây dựng sản phẩm, thương hiệu điểm đến cho các khu, điểm, mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng.
Phối hợp Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn chiêu sinh lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân và nghiệp vụ buồng, nhằm nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho quản lý và nhân viên các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh…
Du lịch xanh là xu thế tất yếu
Phát triển du lịch xanh và bền vững đang là xu hướng trên toàn cầu. Đối với một khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu như ĐBSCL thì đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Hòa nhịp chung với xu hướng của thế giới, thời gian qua, một số tỉnh ĐBSCL đã có nhiều cách làm sáng tạo trong phát triển du lịch xanh.
Tại Đồng Tháp, nhiều khu, điểm du lịch đang hướng đến xây dựng mô hình du lịch xanh, bền vững. Các đơn vị chủ động áp dụng những giải pháp như: sử dụng năng lượng tái tạo, nói không với rác thải nhựa, sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tài nguyên bản địa để phục vụ du lịch như: Hội quán Cùng nhau làm du lịch tại TP. Sa Đéc, điểm du lịch Như Ba Farmstay (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò), Khu du lịch văn hóa Phương Nam (huyện Lấp Vò), Vườn sinh thái Nam Hương (huyện Tân Hồng), Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong farmstay (Viet Mekong farmstay)…
Bà Hồ Ngọc Trâm, đại diện Công ty TNHH Du lịch văn hóa Việt Mekong cho biết, Dự án Viet Mekong farmstay của đơn vị thiết kế và cung cấp giải pháp du lịch nghỉ dưỡng, hướng tới cuộc sống cá nhân hóa, cân bằng và tự do tinh thần theo xu hướng du lịch xanh - du lịch bền vững, phù hợp với nhu cầu. Tại Viet Mekong farmstay có gói sản phẩm dịch vụ lưu trú không gian giản lược hòa với thiên nhiên, ẩm thực hoài cổ và trải nghiệm nông nghiệp đậm nét hoang sơ trong không gian không hóa học. Mục đích phát huy giá trị tài nguyên nông nghiệp bản địa, hướng đến phát huy giá trị văn hóa nông nghiệp Đồng Tháp Mười. Dự án được Ban giám khảo Cuộc thi sáng kiến Mekong năm 2024 đánh giá là “Dự án làm xanh thật, xanh từ trong trái tim đến sản phẩm dịch vụ”.
Có thể thấy, du lịch xanh không chỉ là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bức thiết. Ngày càng nhiều du khách sẵn sàng chi trả cao hơn để trải nghiệm những dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường và cộng đồng. Điều này cho thấy, du lịch xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, mà còn là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng.
ĐBSCL với tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa đặc sắc, có thể tận dụng xu hướng du lịch xanh để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thành công, các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp như: đầu tư hạ tầng du lịch xanh, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với bảo tồn thiên nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững, xây dựng các mô hình hợp tác công - tư để thu hút đầu tư.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch và du lịch nông nghiệp. Triển khai hoàn chỉnh một số mô hình, điểm du lịch mới như: Du lịch Tiên Sen (huyện Thanh Bình), Du lịch sinh thái Hoàng Sơn (huyện Châu Thành). Xúc tiến, quảng bá, chào bán các chương trình tour “Theo dấu Người tình”, “Sa Đéc tình đất - tình hoa”, “Bình minh Tràm Chim” và “Hoàng hôn Tràm Chim”..., thu hút nhiều đơn vị khai thác du lịch, du khách trong và ngoài địa phương.
Trong thời gian tới, Đồng Tháp xác định chú trọng phát triển du lịch xanh. Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai hiệu quả Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch. Đăng ký với Sở Tài chính nguồn kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch năm 2024 và năm 2025. Phát triển hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kết nối tour tuyến.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 25/2/2022 về thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch năm 2024, trong đó chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức Famtrip và lễ công bố, ra mắt đưa vào khai thác tour du lịch “Sắc màu vùng biên - Đất sen hồng”.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, kết nối tour tuyến du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng với các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề. Triển khai các nội dung tham gia Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2024. Thực hiện kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh du lịch của các khu điểm du lịch trọng điểm, cơ sở lưu trú du lịch, các hộ cộng đồng. Tổ chức thẩm định, xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch, thẩm định hồ sơ và xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa…
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, với quyết tâm thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách, trong đó số lượng khách du lịch quốc tế phục hồi tăng gấp 5,4 lần so với năm trước và doanh thu du lịch trên 2.000 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước, định hướng cho các đơn vị xây dựng tour, tuyến, sản phẩm dịch vụ mới; khảo sát tài nguyên du lịch ở các huyện, thành phố để hỗ trợ phát triển loại hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục triển khai các nội dung nhằm hoàn thiện tour du lịch Sắc màu vùng biên, nhanh chóng đưa vào quảng bá và khai thác; triển khai, hoàn thiện mô hình du lịch nông nghiệp gắn với phát huy giá trị Làng Hòa An, Khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…
Đồng Tháp có nhiều tiềm năng phát triển du lịch xanh và bền vững như: có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch từ Sài Gòn và các tỉnh ĐBSCL. Tỉnh sở hữu những tài nguyên thiên nhiên quý giá gồm các khu, điểm du lịch nông nghiệp, điển hình là vườn hoa Sa Đéc, vườn quýt hồng Lai Vung, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Đặc biệt, Đồng Tháp sở hữu Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim. Đây là tài sản vô giá của tỉnh, mang đến lợi thế cạnh tranh độc đáo trong việc phát triển du lịch bền vững. Là một trong số ít vùng đất ngập nước còn sót lại của vùng Đồng Tháp Mười, VQG Tràm Chim sở hữu hệ sinh thái đa dạng phong phú, với các loài chim quý hiếm. Điều này giúp thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước yêu thích thiên nhiên và thích khám phá.
Tận dụng lợi thế này, tỉnh đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: ngắm bình minh, hoàng hôn, quan sát chim bằng ống nhòm chuyên dụng và các tour khám phá kết hợp văn hóa bản địa. Nhờ đó, VQG Tràm Chim không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước.