Trong những tháng đầu năm 2015, Đoàn công tác gồm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các sở, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh do ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu đã đi xúc tiến đầu tư, thương mại tại Nhật Bản. Chuyến đi này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các đối tác Nhật Bản với các doanh nghiệp Đồng Tháp trong việc liên kết, chuyển giao công nghệ và trao đổi, mua bán hàng hóa.
Trước đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp cũng đã có chuyến xúc tiến thương mại tại Hà Lan. Tỉnh đã làm việc với các đối tác Hà Lan trên 3 lĩnh vực: vận tải logistics, hoa kiểng và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang châu Âu…
Bên cạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài, tỉnh Đồng Tháp cũng tích cực mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tới tham quan, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương. Thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm trực tiếp, doanh nghiệp hai bên hiểu nhau hơn trong lựa chọn thế mạnh để hợp tác cùng phát triển, đồng thời tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp địa phương, phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc trực tiếp đi tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, Đồng Tháp còn hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tỉnh đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và 5 doanh nghiệp tham gia hội chợ nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, cập nhật tình hình kinh tế, xuất - nhập khẩu hàng hóa…
Mục tiêu của Đồng Tháp trong thời gian tới là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đó, trong những tháng cuối năm 2015, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức và tham gia nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với quy mô khu vực, quốc gia, quốc tế. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm tầm khu vực, quốc tế trong nước và các hội chợ, triển lãm tại nước ngoài, cũng như các chuyến khảo sát thị trường trong và ngoài nước.
Đối với dịch vụ logistics, Đồng Tháp không ngừng cải thiện đầu tư hạ tầng logistics để phục vụ tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh đã liên kết xây dựng hai bến cảng Cao Lãnh và Sa Đéc, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa tại Đồng Tháp (thay vì phải vận chuyển hàng hóa lên TP.HCM), vừa đỡ tốn kém chi phí, vừa tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Trong công tác điều hành, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường xuyên gặp gỡ, trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp và lập ra nhiều kênh thông tin để tiếp nhận, lắng nghe, chia sẻ và phản hồi các ý kiến của doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có những giải pháp tháo gỡ.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai cho rằng, đối với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng và nhanh chóng khi có việc cần giúp đỡ, hỗ trợ, mà không nhất thiết phải có quen biết thân tình, chỉ cần nêu khó khăn thì lãnh đạo tỉnh sẽ cho cuộc hẹn.
Ngoài ra, UBND tỉnh vẫn thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và tiếp công dân theo định kỳ để giải quyết vướng mắc. Lãnh đạo tỉnh thường tổ chức các đoàn công tác đi tìm hiểu thực tế tình hình doanh nghiệp, lắng nghe và nỗ lực giúp đỡ khi doanh nghiệp cần. Đây là khác biệt rất lớn so với một số địa phương khác.
“Thái độ của lãnh đạo địa phương khi tiếp doanh nghiệp rất cởi mở, thân thiện và giải quyết công việc với tinh thần vì lợi ích chung của xã hội. Quan điểm giải quyết công việc của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp có tính năng động cao và vận dụng linh hoạt chính sách pháp luật nhà nước. Trong thực tế, không phải tất cả vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đều được giải quyết thỏa đáng, nhưng tinh thần, thái độ của lãnh đạo của chính quyền thì rất đáng trân trọng. Nếu duy trì thường xuyên điều này thì tôi tin rằng, Đồng Tháp sẽ là nơi ‘đất lành chim đậu’ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, để tránh tình trạng việc thẩm định các dự án đầu tư còn chậm ở ngành này, ngành kia, tỉnh sẽ chấn chỉnh chế độ thông tin, báo cáo (đẩy mạnh báo cáo qua hộp thư điện tử). “Chúng ta khó có thể chấp nhận tình trạng vài tháng sau UBND tỉnh mới biết dự án đang ‘nằm chờ’ ở sở này, ngành kia, địa phương nọ”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, các ngành chức năng chỉ có ý kiến “đồng ý” hay “không đồng ý” trước Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh mới có quyền từ chối dự án, không chấp nhận giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự “cẩn trọng” trước khi đi đến quyết định là cần thiết, nhưng sự “chần chừ” dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn, nhà đầu tư từ chối dự án và địa phương tự đánh mất cơ hội phát triển.
“Chúng ta hãy triển khai ngay các khẩu hiệu và cũng là thông điệp mà Đồng Tháp đưa ra với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó là ‘Chủ động đến với doanh nghiệp chứ không thụ động chờ doanh nghiệp đến’, ‘Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhận khó khăn về chính quyền’”, ông Hoan kêu gọi.