Về Tràm Chim Đồng Tháp nghe kể chuyện lúa ma

Đồng Tháp là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có Vườn quốc gia Tràm Chim nổi tiếng với loài sếu đầu đỏ quý hiếm, cùng hàng trăm loài chim nước, động vật, cá... là một nguồn tài nguyên phong phú, một cơ hội để phát triển du lịch sinh thái.
Sếu đầu đỏ thường bay về Vườn quốc gia Tràm Chim tránh rét Sếu đầu đỏ thường bay về Vườn quốc gia Tràm Chim tránh rét

Khu Ramsar thứ tư của Việt Nam

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1991, Tràm Chim mới là một khu bảo tồn thiên nhiên cấp tỉnh, đến ngày 22/5/2012, Vườn quốc gia Tràm Chim được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Đây là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam, sau Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), hệ đất ngập nước Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai) và Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới.

Không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ khu vực di trú cho các loài chim di cư, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ (Grus antigone), Vườn quốc gia Tràm Chim còn có nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười, bảo tồn các loài động - thực vật bản địa, các nguồn gen quý hiếm và duy trì những điều kiện thích hợp cho việc nghiên cứu môi trường tự nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đây cũng là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, khoảng 100 loài cá và 147 loài chim nước. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là loài chim hạc còn gọi là sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi). Kết quả khảo sát còn ghi nhận được 130 loài thực vật, phân bố đơn thuần cũng như xen kẽ với nhau, tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng: rừng tràm, đồng ngập nước theo mùa, đồng cỏ năn, đồng cỏ ống, đồng lúa ma, lúa nước và hệ sinh thái đầm lầy…

Trên chiếc tắc ráng (một loại xuồng chuyên dụng của người miền Tây), du khách sẽ được khám phá nhiều điều kỳ thú trong di sản quý hiếm của vùng.

Anh Đặng Tiên Khoa, Phó trưởng phòng du lịch Trung tâm Du lịch - Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim, đưa chúng tôi tham quan cho biết: nếu đi vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 - 12 hàng năm) thì càng tuyệt vời hơn, do hệ động thực vật thêm phong phú khi nước lũ tràn về.

Dọc hai bên bờ kênh là những khu rừng tràm rậm rạp nối dài, mênh mông một màu xanh ngút mắt. Mỗi khi tắc ráng lướt tới, từ trong rừng tràm, từng đàn chim bay vút lên. Chấp chới trong nắng là màu trắng những cánh cò, màu đen của cồng cộc, màu xám của chiền chiện… Nhiều nhất là cò trắng, bay thành từng đàn.

Anh Khoa cho biết, loài sếu đầu đỏ thường về Tràm Chim tránh rét vào dịp từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng 5 âm lịch năm sau. Sếu đầu đỏ có bộ lông xám mượt, đôi cánh rộng dài trên đôi chân cao vút (là loài cao nhất trong các loài chim), mỗi màn chao liệng của chúng trên không trung, như một vũ điệu tuyệt tác của thiên nhiên.

Bông sen và bông súng ở Tràm Chim cũng có nhiều khác lạ. Sen ở đây cánh lớn và dày, xếp thành nhiều lớp, bông trắng muốt, bông lại trắng hồng. Xen lẫn trong đó là màu tím của những bông súng lặng lẽ vươn lên khỏi mặt nước…

Một “đặc sản” nữa của Tràm Chim chính là lúa ma (hay còn được gọi là lúa trời).

Theo các cư dân lâu năm ở Tràm Chim, lúa ma từ lúc nảy mầm cho đến khi chín mất gần 6 tháng và chỉ chín vào ban đêm. Lúa này hễ thấy mặt trời là rụng, nên nông dân ở đây phải gặt từ tờ mờ sáng.

Bông lúa ma không dài và cong, mà mọc trực tiếp từ thân ra. Nếu không phải là những lão nông sành sỏi thì khó phân biệt đâu là bông lúa ma, đâu là bông cỏ. Cách thu hoạch giống lúa này cũng rất đặc biệt. Trên cánh đồng lúa ma, 2-3 người cùng ngồi trên xuồng vào vùng lúa chín. Chiếc xuồng được cơi nới hai bên rộng ra rồi đặt những tấm bồ để hứng lúa. Một người chống sào để chèo, người còn lại tay cầm cây đập nhẹ vào thân cây lúa, hạt lúa chín cứ thế rơi xuống bồ rồi nằm gọn trong xuồng.

Không chỉ vậy, Vườn quốc gia Tràm Chim còn có hàng chục ha cây hoa hoàng đầu ấn, khi nở rộ vàng rực, tô điểm thêm cho Vườn quốc gia Tràm Chim sắc màu tươi đẹp và làm phong phú thêm hệ sinh thái đặc trưng của khu Ramsar Tràm Chim, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách.

Nhiều cơ hội mở ra từ Tràm Chim

Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Du lịch và Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết, lượng du khách năm nay tăng đột biến là do các tuyến đường giao thông đến Vườn quốc gia đã thuận lợi hơn trước.

Tuyến đường từ ngã ba Thanh Bình (huyện Thanh Bình) vào thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) dài 18km đã hoàn thành và đưa vào khai thác, song song đó, tuyến đường N2 xuyên Đồng Tháp Mười (từ TP.HCM đến Vườn quốc gia Tràm Chim chỉ còn 150 km), đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách các tỉnh đến tham quan Tràm Chim.

Chỉ riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đón tiếp gần 9.000 lượt khách, tăng hơn 5.000 lượt khách so với cùng kỳ.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Vườn quốc gia đã bổ sung hai tắc ráng composite và hai xuồng kéo, nâng tổng số phương tiện vận chuyển lên 21 chiếc qua hình thức xã hội hoá. Sắp tới, Vườn quốc gia dự kiến đưa dịch vụ ôtô điện và dịch vụ xe đạp vào phục vụ khách tham quan trong dịp hè.

Đây cũng là hình thức hợp tác cùng cộng đồng, cải thiện thu nhập cho cư dân trong vùng, đưa ngành dịch vụ du lịch phát triển. Đồng thời, các anh ở Trung tâm còn đang ấp ủ nhiều dự định, dự án phục vụ khách du lịch, làm giàu từ rừng nhưng vẫn giữ được hệ sinh thái, cá thể  rừng như: sản xuất rượu trâm, rượu ô môi, mứt cà na, các loại cây chồi mồi, bông điên điển, bông súng… dùng trong ẩm thực, thức uống giải khát, phục vụ du khách được ưa chuộng… đang rất cần sự chung tay, hợp sức đánh thức các vốn quý từ rừng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Anh Đặng Tiên Khoa chia sẻ thêm: “Tràm Chim quý lắm, vì cả thế giới cũng chỉ có hơn 2.000 ramsar. Chính quyền và cộng đồng phải giữ bằng mọi giá, bởi nếu không có ramsar, Tam Nông chắc gì đã có tên trên bản đồ đa dạng sinh học thế giới một cách trang trọng như vậy”.

Theo ông Trần Hào Hiệp, Phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim: Nhằm giúp  người dân được hưởng lợi từ Vườn quốc gia Tràm Chim, từ năm 2012 đến nay, có từ 150 - 220 hộ dân của 5 xã xung quanh Vườn quốc gia được cấp thẻ, cùng tham gia vào Dự án Sử dụng hợp lý tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng.

Theo đó, vào mùa nước nổi (từ tháng 9-12), người tham gia dự án được vào khai thác các loại rau đồng như: bông súng, rau muống, rau trai và đánh bắt tôm cá (tuyệt đối không được săn bắt chim). Tuy nhiên, loại lưới sử dụng để đánh cá phải là loại mắt thưa, lưỡi câu cũng phải lớn để không tận diệt thủy sản.

Ngoài ra, người dân còn có thể chèo thuyền, làm hướng dẫn viên du lịch… để tăng thêm thu nhập. Ban quản lý Vườn quốc gia hỗ trợ đào tạo người dân địa phương. Tất cả đều phải có thẻ để tiện cho công tác quản lý, nếu Ban quản lý phát hiện ai vi phạm quy định sẽ không cho tham gia vào dự án.

“Cả cộng đồng cùng được hưởng lợi thì chính người dân sẽ tham gia tích cực vào công tác bảo vệ. Hiện người dân quanh Vườn đang bảo vệ Tràm Chim, vì đây là “nồi cơm” của mình”, ông Hiệp phấn khởi chia sẻ.

Sắp tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim để trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng. Một số hạng mục công trình sẽ được đầu tư như: cầu vượt (cổng chào), phòng chiếu phim, khoanh rào khu vực dịch vụ, đài quan sát, bến tàu nổi, nâng cấp bến tàu cũ, phòng trưng bày trứng chim và cá nước ngọt, cải tạo trạm thu vé, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh...

Huy Tự
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục