Công ty TNHH Đầu tư FPT Long Châu có vốn điều lệ 674 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) sở hữu 100% vốn thông qua việc góp toàn bộ 67,4 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Long Châu) được công ty mẹ giao quản lý khoản đầu tư tại FPT Long Châu.
Theo giới phân tích, FPT Retail thực hiện tái cấu trúc việc sở hữu FPT Long Châu thông qua công ty đầu tư về mặt tổng thể hợp nhất thì không phát sinh lãi/lỗ, nhưng sẽ phục vụ cho việc huy động vốn của đơn vị sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu có số lượng cửa hàng bán lẻ dược phẩm lớn nhất cả nước này.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, FPT Retail chia sẻ, FPT Long Châu dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 10% cổ phần.
FPT Long Châu đặt kế hoạch mở rộng nền tảng chăm sóc sức khỏe với các hoạt động kinh doanh mới trong chẩn đoán và điều trị (như phòng khám) và mở rộng các mảng hiện tại (dược phẩm, tiêm chủng, theo dõi sức khỏe tại nhà và bảo lãnh thuốc bảo hiểm). Mục đích của đợt phát hành riêng lẻ là để tài trợ cho việc mở rộng nền tảng chăm sóc sức khỏe Long Châu và cải thiện sự ổn định tài chính của FPT Retail khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản năm 2023 chỉ là 13%.
Trong nửa đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho FPT Retail khi đóng góp 11.521 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng 63% (cùng kỳ năm ngoái là 46%). Đồng thời, hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng, trong bối cảnh liên tục mở thêm nhà thuốc mới.
Hiện Long Châu là chuỗi nhà thuốc đầu tiên có mặt ở cả 64 tỉnh, thành phố trên cả nước, với gần 2.000 nhà thuốc và 123 trung tâm tiêm chủng. Mọi đơn hàng đặt qua ứng dụng đều được Long Châu miễn phí giao hàng và giao ngay đến tay người cần trong vòng 30 phút.
Bán lẻ dược phẩm là thị trường tiềm năng, nhưng thực tế cho thấy, cơ hội không dễ nắm bắt. Các doanh nghiệp trong ngành cần tìm được công thức kết hợp nhiều yếu tố quan trọng như tốc độ mở rộng, danh mục sản phẩm, dịch vụ khách hàng, logistics hậu mãi, quản lý tồn kho… để tạo ra lợi thế. Diễn biến trái chiều trong ngành - mở rộng và thu hẹp quy mô nhà thuốc - cho thấy chiến lược khác nhau của từng doanh nghiệp trong từng giai đoạn, nhưng cũng cho thấy sự phân hóa trong tốc độ tối ưu hóa của từng chuỗi, xây dựng lợi thế cạnh tranh của các đơn vị.
Trong khi Long Châu đang tích cực mở rộng mạng lưới nhà thuốc, thì chuỗi An Khang đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Tính đến hết tháng 8/2024, chuỗi An Khang đóng đến 184 cửa hàng, dự kiến chỉ còn 300 cửa hàng vào cuối năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng An Khang cải thiện lên 500 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn dưới mức hòa vốn 550 triệu đồng/tháng. Tính đến cuối tháng 6/2024, chuỗi này lỗ lũy kế gần 834 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các đơn vị phân tích, do An Khang không tập trung vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như Long Châu nên sẽ khó giành được thị phần từ kênh nhà thuốc bệnh viện.
Bên cạnh đó, ghi nhận thông tin từ buổi gặp gỡ nhà đầu tư vừa qua của Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD), Tổng giám đốc Phạm Thị Thanh Hương trả lời câu hỏi về việc hợp tác, đồng hành cùng các chuỗi nhà thuốc (bên cạnh các nhà thuốc truyền thống), Long Châu “bắt tay” với hãng các cung cấp thuốc ngoại, toàn bộ hợp đồng đều đã ký, chiến lược của họ là đi cùng với các hãng lớn, với năng lực cung ứng mạnh mẽ nên đảm bảo được thời gian cung ứng thuốc đủ, trong đó có không ít thuốc hiếm - một lợi thế đáng kể của Long Châu.
Quay lại với An Khang, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý cũng là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh kém khả quan.
Trong khi đó, thông tin tại Long Châu cho thấy, hoạt động đa dạng danh mục vẫn đang được tiến hành. Theo bà Nguyễn Đỗ Quyên, Phó tổng giám đốc FPT Retail kiêm Giám đốc điều hành FPT Long Châu, Long Châu không ngừng xây dựng và mở rộng danh mục sản phẩm, với gần 15.000 mã hàng phổ thông và “đo ni đóng giày” cho từng vùng miền.