Đầu tư nước ngoài ròng bị thâm hụt kỷ lục
Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã suy giảm mạnh trong quý II/2023 và dòng vốn chảy vào thị trường Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu thống kê 25 năm trước. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng dòng chảy đầu tư dài hạn đang thay đổi.
Theo Reuters, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các cố vấn của họ nhận thấy được sự thay đổi trong dòng chảy đầu tư và những lo ngại chính trị đằng sau các quyết định đầu tư sẽ kéo dài. Điều này khiến đồng nhân dân tệ đối mặt với áp lực từng là trợ lực chủ chốt nhất lâu nay - dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại công ty phân tích Rhodium Group, nhận định: "FDI trong lịch sử không phải là yếu tố gây ra biến động lớn đến giá trị tỷ giá hối đoái, bởi nó thường có thặng dư từ 50 đến 100 tỷ USD mỗi năm".
"Nhưng khi dòng vốn đó chuyển sang thâm hụt như hiện nay… thì đó là một sự điều chỉnh khá lớn", ông Wright nhấn mạnh.
Thực tế, vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm xuống dưới 4,9 tỷ USD trong quý II/2023, trong khi các khoản đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc tăng mạnh khiến đầu tư trực tiếp ròng bị thâm hụt kỷ lục 34,1 tỷ USD, theo số liệu được Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố vào tuần trước.
Các nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng sự sụt giảm trên là do doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về xu hướng cạnh tranh và xung đột chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây vốn đã dẫn đến các hạn chế thương mại và đầu tư cũng như sự lạnh nhạt về ngoại giao.
Các nguồn tin nói với Reuters rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ áp dụng các lệnh hạn chế đầu tư ra nước ngoài mới đối với Trung Quốc trong những tuần tới. Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đã hạn chế bán các thiết bị sản xuất chip công nghệ cao cho doanh nghiệp Trung Quốc, còn Bắc Kinh đáp trả bằng cách siết chặt xuất khẩu nguyên liệu thô, trong đó có những kim loại dùng cho chế tạo chất bán dẫn.
Ngoài nguyên do căng thẳng ngoại giao, niềm tin kinh doanh cũng đã bị xói mòn sau ba năm thực hiện chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh khiến chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt gãy.
Chưa kể, các cuộc "nắn gân" chính sách của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trong nước hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, công nghệ và giáo dục… cùng các cuộc đột kích doanh nghiệp Mỹ như Mintz, Bain & Company, Capvision Partners càng khiến các công ty lo lắng về thời điểm và địa điểm sẽ xảy ra đợt tấn công tiếp theo.
"Tôi không có khách hàng nào muốn đầu tư vào Trung Quốc. Không một khách hàng nào", ông John Ramig, một cổ đông tại Buchalter - công ty luật chuyên thúc đẩy các giao dịch kinh doanh quốc tế - cho biết.
"Mọi người đều đang tìm cách nhượng lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc hay nếu họ đang gia công sản phẩm ở Trung Quốc, họ sẽ tìm đến một nơi thay thế khác", ông Ramig nói thêm. "Điều này khác rất nhiều so với những gì xảy ra cách đây 5 năm".
Điều đáng lưu ý nữa là vốn đầu tư mới (greenfield) chảy vào các dự án năng lực sản xuất mới đã trượt dài trong nhiều năm và chỉ đạt tổng cộng 18 tỷ USD trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 100 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2010 - 2011, theo công ty tư vấn toàn cầu Oxford Economics.
Đồng nhân dân tệ trượt giá khoảng 4%
Sự trượt dốc của dòng vốn FDI vào Trung Quốc là mối lo ngại lớn của giới đầu tư và thương mại toàn cầu bởi từ lâu nó đã được coi là một phần thiết yếu trong dòng chảy toàn cầu.
Không giống như các danh mục đầu tư gián tiếp hay biến động, đầu tư trực tiếp của các công ty, mặc dù theo chu kỳ, nhưng có xu hướng chặt chẽ và ổn định hơn khi họ thiết lập và mở rộng cơ sở sản xuất.
Áp lực đã dồn lên tỷ giá hối đoái. Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), kể từ đầu năm đến nay lượng mua đô la Mỹ thông qua các ngân hàng Trung Quốc để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã liên tục vượt quá lượng mua nhân dân tệ của nhà đầu tư nước ngoài, khiến dòng tiền chảy “thất thoát” ra khỏi Trung Quốc trong 6 tháng liên tiếp.
Xu hướng trên cũng được phản ánh qua dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc khi vốn FDI được huy động đã giảm 5,6% trong 5 tháng đầu năm, mức giảm lớn nhất trong 3 năm.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ trượt giá khoảng 4% so với đồng đô la Mỹ, ngay cả khi đồng bạc xanh suy yếu ở các thị trường khác.
Chắc chắn, dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc sẽ rung lắc, nhưng nhiều công ty không hoàn toàn rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc không hề rời đi.
Ông Daniel Seeff, Giám đốc điều hành Foot Cardigan (Mỹ) - công ty sản xuất tất bị ảnh hưởng bởi thuế quan và những trở ngại về logistics do Covid-19 - đã tìm cách chuyển hoạt động sản xuất từ thành phố Hải Ninh ở đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc) sang Peru, tuy nhiên chất lượng và giá cả lại không bằng so với nhà máy ở Trung Quốc.
"Hiện tại, tôi không nghĩ rằng, Trung Quốc đã đánh mất lợi thế này dành cho chúng tôi", ông Seeff nói.
Trong khi đó, ông Chi Lo, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại quỹ quản lý tài sản BNP Paribas ở Hong Kong, cho rằng dòng tiền sụt giảm chỉ là một phần trong xu hướng của đồng nhân dân tệ và đồng tiền này vẫn có thể duy trì sức mạnh.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy các công ty nước ngoài đang đưa ra quyết định từ bỏ hoặc tránh nâng công suất ở Trung Quốc. Vấn đề này sẽ định hình dòng vốn chảy vào Trung Quốc trong những năm tới.
Ông Lee Smith, luật sư thương mại toàn cầu tại hãng luật lâu đời Baker Donelson (Mỹ), đánh giá: "Bầu không khí chính trị đang khiến các công ty phương Tây tránh xa thị trường Trung Quốc… bởi vì lợi ích của việc hiện hữu ở Trung Quốc không lớn hơn rủi ro".
"Rất nhiều khách hàng của chúng tôi lo lắng về việc họ tiếp cận Trung Quốc như là nhà cung cấp duy nhất", ông Smith cho biết.