Đông Nam Á và triển vọng hội tụ dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Mặt bằng định giá thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đang ở mức thấp, cộng với các yếu tố hỗ trợ dần xuất hiện rõ nét hơn có thể khiến dòng tiền sẽ hội tụ vào khu vực này.

Chứng khoán Đông Nam Á dự báo sẽ thăng hoa thời gian tới. Chứng khoán Đông Nam Á dự báo sẽ thăng hoa thời gian tới.

Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu đón cú sốc đại dịch Covid-19, làm thay đổi nhiều yếu tố mà nhà đầu tư chưa bao giờ nghĩ tới.

Trong đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoạt động giao thương, di chuyển lao động gặp khó khăn, việc giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.

Trong bối cảnh đó, các tài sản tài chính toàn cầu biến động không tương xứng với vị thế từng khu vực, cũng như từng quốc gia.

Trong khi Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch thì giá tài sản tài chính tăng vọt. Khu vực châu Á chịu tác động nhẹ bởi dịch bệnh và đang dần ổn định trở lại thì chỉ có một số thị trường chứng khoán như Trung Quốc, New Zealand, Đài Loan, Nhật Bản… tăng mạnh, còn chứng khoán Đông Nam Á, khu vực kiểm soát tốt đại dịch có mức tăng thấp.

Điều này tạo nên sự hấp dẫn đối với các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, nhất là khi các yếu tố hỗ trợ đang trở nên rõ nét hơn.

Kinh tế hồi phục

Thời gian gần đây, trong khi khu vực châu Âu, Mỹ và Mỹ Latinh có số ca nhiễm Covid-19 mới liên tục tăng, một số thành phố phải tái phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thì khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng có số ca nhiễm mới giảm, nhiều thành phố kiểm soát được dịch và hoạt động kinh doanh dần khởi sắc trở lại.

Trong đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đang trên đà hồi phục, sau khi GDP quý I/2020 giảm 6,8% thì quý II tăng 3,2% và quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, Trung Quốc có thể có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, còn châu Âu và Mỹ tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong quý II đạt 50,8 điểm, quý III đạt 51,2 điểm, cho thấy hoạt động mở rộng sản xuất của nước này.

Trung Quốc là đầu tàu của khu vực châu Á, đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn của nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong khi các nước này cũng phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Đại lục.

Chính vì vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi phục có thể là động lực thúc đẩy các nước trong khu vực hồi phục theo, nhất là các nước kiểm soát tốt Covid-19.

Cơ hội đón làn sóng dịch chuyển nhà máy

Trước đây, Trung Quốc là công xưởng của thế giới khi nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu muốn đặt nhà máy tại đây nhằm hưởng lợi thế nhân công giá rẻ và tiếp cận thị trường rộng lớn.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, rủi ro gia tăng đáng kể bởi cuộc chiến thuế quan đến nay chưa có điểm dừng.

Mặc dù Mỹ nhiều khả năng sẽ có tổng thống mới từ tháng 1/2021 là ông Joe Biden, nhưng quan điểm của ông Biden trong quá trình tranh cử là kết hợp với đồng minh tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc, tránh sự trỗi dậy của quốc gia này có thể ảnh hưởng tới vị trí dẫn đầu của Mỹ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đa quốc gia có hoạt động tại Trung Quốc.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy làn sóng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc, một phần vì chuỗi cung ứng phụ thuộc vào một quốc gia và bị gián đoạn trong giai đoạn đầu năm 2020.

Điều này dẫn tới các doanh nghiệp đa quốc gia phải thực hiện chiến lược đa dạng hóa nơi sản xuất, cũng như cung ứng ra toàn cầu.

Trong đó, Chính phủ Nhật Bản nhằm tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã liên tục tung ra các gói hỗ trợ ngân sách để các doanh nghiệp xứ hoa đào chuyển dịch nhà máy về nước, hoặc chuyển sang khu vực Đông Nam Á như Hoya sẽ chuyển đến Việt Nam và Lào, Sumitomo Rubber xây dựng nhà máy ở Malaysia. Giá trị ngân sách ước tính 220 tỷ yên, tương đương 2 tỷ USD.

Tình trạng tương tự diễn ra ở Hàn Quốc khi một số tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Hyundai Motor… có động thái dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc và mở rộng ở các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến.

Dự báo, làn sóng các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện đa dạng hóa chuỗi sản xuất sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Khi cuộc chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc diễn ra trên diện rộng, khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng sẽ có thêm cơ hội để phát triển trong nhiều lĩnh vực, góp phần kéo nền kinh tế tăng trưởng mạnh hậu đại dịch.

Định giá chứng khoán hấp dẫn

Trong xu hướng tăng giá kể từ đầu tháng 4 của thị trường chứng khoán toàn cầu, chứng khoán Đông Nam Á có dấu hiệu bị “bỏ lại phía sau”.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mức định giá thấp tại khu vực Đông Nam Á là do thiếu nhóm cổ phiếu công nghệ, trong khi Mỹ và châu Âu có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn thúc đẩy thị trường (giới đầu tư kỳ vọng nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ hưởng lợi trực tiếp từ tình trạng việc làm việc từ xa do dịch Covid-19 khiến nhiều nước phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội).

Khu vực Đông Nam Á chủ yếu có các cổ phiếu chu kỳ, liên quan tới lĩnh vực tài chính, nên không theo kịp đà tăng điểm của các thị trường chứng khoán thế giới.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ thay đổi khi kinh tế khởi sắc trở lại, bởi vì nhóm cổ phiếu chu kỳ thường là nhóm hồi phục đầu tiên khi kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng.

Trong khi đó, khu vực châu Âu, Mỹ được dự báo tiếp tục đối mặt với khó khăn kéo dài do không biết đến khi nào mới kiểm soát được dịch bệnh.

Xét về mức định giá, tới cuối tháng 10/2020, P/E chỉ số MSCI AC ASEAN (khu vực Đông Nam Á) là 16,13 lần, thấp hơn chỉ số MSCI Emerging Markets (thị trường mới nổi) là 18,71 lần và MSCI ACWI (toàn cầu) là 23,52 lần.

Jian Shi Cortesi, Giám đốc quản lý quỹ đầu tư GAM ở Zurich, công ty đang quản lý khối tài sản trị giá 131 tỷ USD nhận định, châu Á sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn khi đại dịch ngày càng trầm trọng ở các khu vực khác và Trung Quốc đang phục hồi. Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ nâng tầm khu vực châu Á thông qua các liên kết kinh tế.

Đồng quan điểm, Joshua Crabb, Giám đốc quản lý quỹ đầu tư Robeco dự báo, chứng khoán châu Á sẽ tăng trưởng tốt hơn như cách mà các nền kinh tế khu vực đang bắt đầu hồi phục từ thiệt hại do Covid-19 gây ra và định giá đang ở mức rẻ. Trong đó, kinh tế Trung Quốc đang cho thấy sự hồi phục tích cực.

Lorraine Tan, Giám đốc nghiên cứu cổ phiếu của Morningstar tại châu Á kỳ vọng, việc ông Biden gần như nắm chắc phần thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ được thị trường chứng khoán châu Á đánh giá tích cực, bởi ông này có thể khiến chính sách đối ngoại của Mỹ quay trở lại cách tiếp cận đa phương.

“Trong ngắn hạn, cổ phiếu tại châu Á có định giá hấp dẫn và nhiều nền kinh tế Đông Nam Á bắt đầu hồi phục sau những tổn thương vì đại dịch”, Adrian Zuercher, Giám đốc tài sản toàn cầu UBS nói và cho biết, ông kỳ vọng chỉ số MSCI ASEAN sẽ tăng 10% trong năm tới.

Hạc Hiên
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục