Động lực kéo-xả cổ phiếu

(ĐTCK) Từ tuần này, các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu vào mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên. Những doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tốt, gần như lập tức giá cổ phiếu tăng, dù cho thị giá đã ở mức cao. 
Động lực kéo-xả cổ phiếu

Đơn cử trường hợp của CTCP Vicostone (VCS), giá cổ phiếu kết thúc phiên ngày 7/7 đã chạm 110.000 đồng/CP, lọt vào Top cổ phiếu đạt thị giá cao nhất trên TTCK. Đáng chú ý, chỉ hơn 1 tháng trước, VCS đã chốt quyền chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ xấp xỉ 25% và chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu. Vào ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày 11/5), thị giá cổ phiếu VCS đã điều chỉnh từ mức 104.000 đồng/CP xuống còn 81.600 đồng/CP.

Không tăng vùn vụt như VCS, nhưng cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera cũng đã tăng 3 phiên liên tục kể từ khi kết quả bán niên được công bố, với mức tăng lợi nhuận lên tới 53% so với cùng kỳ. Nếu VGC duy trì được thị giá ở mức xấp xỉ 15.000 đồng/CP như hiện nay, thì phiên đấu giá 30 triệu cổ phần phát hành thêm để tăng vốn của VGC diễn ra cuối tháng 7 chắc chắn sẽ thành công. Mục tiêu cổ phần hóa để thu hút thêm vốn của doanh nghiệp sớm thành hiện thực.

Nhắc đến những “ngôi sao” trên sàn, không thể không nói đến VNM. Cổ phiếu VNM dù có các phiên tăng giảm xen kẽ, nhưng đồ thị giá vẫn theo mũi tên đi lên và hiện đạt 144.000 đồng/CP, mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Phóng viên một hãng tin tài chính lớn nhất nhì thế giới thường trú tại Việt Nam kể, cô chưa gặp một nhà đầu tư nước ngoài nào “không khen, không thích VNM”. Còn đại diện một quỹ nước ngoài tại Việt Nam thì nói rằng, tiếc hùi hụi khi phải bán VNM vì đã sắp đến thời hạn đóng quỹ. Vũ khí hấp dẫn nhà đầu tư và đẳng cấp của “bò sữa” liên tục được khẳng định, chẳng có gì xa lạ, chính là kết quả kinh doanh ấn tượng mà họ duy trì được bấy lâu nay.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng đắc lợi và có thêm động lực kéo giá cổ phiếu tốt như vậy. Cơn địa chấn Brexit đã “đổ thêm dầu vào lửa” đối với những doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt ở nước ngoài. Có thể kể đến các doanh nghiệp dệt may khi nhiều đơn hàng vốn dành cho họ đang chạy sang Bangladesh, Campuchia. Lợi nhuận thu được từ gia công chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10% trên giá trị sản phẩm, đó là chưa kể đối tác nước ngoài còn viện dẫn nhiều lý do phát sinh để yêu cầu điều chỉnh hợp đồng, nếu không họ sẵn sàng “cắt” hợp đồng. Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may cho biết, những năm trước, đơn hàng mùa Đông bắt đầu từ tháng 3-4, thì năm nay, hiện vẫn còn vắng. Những biến cố bất ngờ từ thế giới đang khiến doanh nghiệp Việt thậm chí phải lên kế hoạch tính lại những kịch bản đã đặt ra từ đầu năm.

VN-Index trong những phiên gần đây cũng đã gây “chộn rộn” cho giới đầu tư bởi kết quả lập đỉnh mới trong vòng 8 năm trở lại đây. Nhưng khác với những lần lập đỉnh trước đây, dòng tiền mới ồ ạt đổ vào thị trường, nay nhà đầu tư vẫn thận trọng.

Nhiều bài học quá khứ và chính sự bất ổn định trong hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết đã khiến nhà đầu tư khó kiếm tiền. Nhưng xem ra nguyên tắc và cách nhìn nhận của những nhà đầu tư can đảm “ôm” blue-chip như VNM, VIC… vẫn có thể “kê cao gối”. Nhà đầu tư bám sàn nào cũng mong có “sóng” nhưng rốt cuộc, chưa chắc “lướt sóng” đã kiếm được lợi nhuận bằng đầu tư cơ bản và “bỏ trứng” vào những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục