Động lực cải cách 2019

Giới kinh doanh đang tiếp tục bàn về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong năm 2019, sau một năm “đồng khởi” thành công. 
Động lực cải cách 2019

Tuy tỷ lệ hơn 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa, bãi bỏ trong năm 2018 tác động rất lớn tới niềm tin kinh doanh, nhưng không phải là tất cả những gì các doanh nghiệp mong muốn. Doanh nghiệp đang cần, đang đòi hỏi môi trường kinh doanh thúc đẩy sự phát triển, chứ không chỉ là tháo gỡ rào cản.

Dư địa thị trường cùng những thách thức cạnh tranh theo chuẩn mực cao nhất mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất hiện, đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào đường đua mới.

Cùng với đó, làn sóng phát triển công nghệ ngày càng dâng cao, nhiều phương thức kinh doanh mới như kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch, các dịch vụ giải trí, dịch vụ quảng cáo thông qua mạng xã hội… rất khác với phương thức kinh doanh truyền thống đã xâm lấn nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, mọi sự chậm trễ, ngập ngừng của doanh nghiệp có thể sẽ biến cơ hội thành thách thức, biến thách thức thành rào cản, thậm chí sẽ loại bỏ không ít doanh nghiệp, không ít doanh nhân không theo kịp thời đại, không đủ năng lực cạnh tranh mới.

Nhưng cũng chính trong bối cảnh đó sự chậm trễ, ngập ngừng của các cơ quan quản lý nhà nước trước những thay đổi nhanh chóng của thời cuộc, của môi trường kinh doanh có thể là tác nhân tạo rào cản cho sự phát triển kinh tế dựa trên công nghệ mới, cho sự lớn mạnh của cộng đồng kinh doanh và cả khả năng đi nhanh đến sự thịnh vượng cho người dân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng đặt yêu cầu rằng, Chính phủ phải chuyển đổi để trở thành Chính phủ thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã làm nhiều việc, điều chỉnh, thậm chí tạo áp lực thay đổi diện rộng tới từng bộ, ngành, địa phương và tới từng công chức thực thi. Kết quả đầy tích cực của các kế hoạch cải cách môi trường kinh doanh năm 2018 chắc chắn dựa trên động lực từ Chính phủ, từ Thủ tướng Chính phủ.

Song môi trường kinh doanh không thể chỉ cắt giảm, gỡ bỏ, mà cần phải thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt là thúc đẩy khu vực tư nhân sáng tạo, sẵn sàng đầu tư lớn, đầu tư dài hạn. Có nghĩa không chỉ cần những điều chỉnh, thay đổi, mà cần cả những hệ thống được xây mới, cần có những đề xuất sáng tạo, khác biệt, chấp nhận rủi ro để rộng đường cho những ý tưởng mới.

Với những yêu cầu này, động lực của những cải cách không thể chỉ trông vào áp lực từ trên xuống, trông vào các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, mà phải là dòng chảy tự thân từ bên trong mỗi cơ quan quản lý nhà nước, trong mỗi công chức thực thi. 

Cũng phải nhắc lại yêu cầu của Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã phân công trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW trong tổng thể thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Theo đó cần tích cực, chủ động rà soát, đề xuất, cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý; tạo mọi điều kiện, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; phân công đầu mối theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Có thể nói, vào thời điểm này, thách thức lớn nhất để có được môi trường kinh doanh thúc đẩy động lực cho khu vực tư nhân phát huy thế mạnh vẫn là tư duy và phương thức ứng xử của các cơ quan quản lý nhà nước với những xu hướng phát triển mới của nền kinh tế, của thế giới…

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục