Thưa ông, năm 2013 qua đi với nhiều gam màu sáng tối khác nhau, thậm chí, dù ít nhưng còn có cả mảng màu tối thẫm. Tuy vậy, trong một năm nhiều biến động như vậy, chúng ta có điểm tựa nào để bước sang năm mới?
Đôi khi không phải màu hồng mới dự báo cho tương lai xán lạn. Theo tôi, trong khoảng tối, con người biết giật mình nhận ra, thì có khi đó mới là động lực của tương lai.
Tôi cho rằng, 2013 là một năm có nhiều tổn thương, trong đó, có thể nhìn thấy là tổn thương lương tâm của người Việt, vì có những lúc, ở đâu đó, những điều tồi tệ, xấu xa lại được biết tới nhiều hơn những điều thiện. Sự lấn át của điều xấu như đã cảnh báo một điều gì đó, dẫu mơ hồ nhưng thật tệ hại.
Ai có thể ngờ rằng, hàng trăm trai thanh, gái sắc chen lấn nhau, tranh nhau trong một lần ăn sushi miễn phí; cũng chẳng ai có thể ngờ rằng, một xe ô tô chở bia vung vãi ra đường, thì thay vì xúm vào để giúp người gặp nạn thì cả một đám đông đổ xô vào nhặt nhạnh; thậm chí, có đề bài của giáo viên trong một trường học đưa ra cho học sinh là “bàn tay em có 5 ngón chặt đi 2 ngón hỏi còn mấy ngón”!?
Có thể, những điều này rất nhỏ nhưng cho thấy, sự bất an không chỉ lảng vảng nữa, mà ghê gớm hơn, nó đã len lỏi vào vòng trong cùng của xã hội. Đó là điều rất nguy hiểm.
Nhưng sau khi những sự việc ghê gớm đó xảy ra, thật đáng mừng, cùng với sự lên tiếng của hệ thống báo chí, nhiều chốn công sở tôi biết, những quán café tôi qua, những làng quê tôi tới, đâu đâu cũng vậy, họ bàn về việc đó như một sự xúc phạm và còn đáng mừng hơn, tất cả đều giật mình để bắt đầu nhìn lại và thế là, lương tâm chúng ta biết nổi giận.
Người Việt Nam đang thấy bị xúc phạm, bị tổn thương và giật mình nhìn lại toàn bộ sự việc họ đã làm, đang làm. Và khi biết tổn thương, biết giật mình thì chính là báo hiệu tốt đẹp.
Đúng là có nhiều người biết xấu hổ, nhưng liệu có ích gì, nếu ai cũng về nhà đóng cửa để xấu hổ, thưa ông?
Con người tốt mà có xu hướng tách rời, thì cái tốt ấy trở thành vô nghĩa. Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm của anh, đấy là logic, là chân lý, khi cái tốt được nhân lên sẽ tạo thành nền tảng tốt. Cha mẹ tốt sẽ tạo nên một gia đình, những học sinh tốt tạo nên một trường học tốt, những nhân viên tốt sẽ tạo nên một cơ quan tốt... Nhưng trước hết, phải có cá nhân tốt.
Năm 2013, dù chúng ta phải hít thở trong một hiện trạng kinh tế khó khăn, một thị trường bất động sản đóng băng, cùng những bất ổn trong đời sống, nhưng tôi cho rằng, nếu coi đó là giai đoạn tất yếu trong quá trình chuyển đổi, thì chúng ta sẽ vượt qua bằng một tâm thế khác để dám đương đầu. Ngược lại, có lẽ sẽ không còn gì để bàn, nếu khi chúng ta trôi đi trong sự vô cảm, bỏ mặc.
Nhân nói về chuyện xâu chuỗi gắn kết, tôi thấy rằng, đã lâu lắm rồi mới thấy những hàng người không kể giàu nghèo, hay nam phụ lão ấu cùng cúi đầu trước sự ra đi của VỊ TƯỚNG NHÂN DÂN. Và lâu lắm rồi, mới có thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự đồng thuận cao đến như vậy?
Câu hỏi của anh chính là sự khẳng định. Chuyện cả dân tộc nghiêng mình trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nói đến rất nhiều, tôi xin được đề cập đến trong một dịp khác. Nhưng quả là, trong vài năm trở lại đây, hiếm khi một thông điệp đầu năm của một trong các vị đứng đầu đất nước đã tạo tác động thực sự và theo hướng tích cực, với nhiều cung bậc cảm xúc, tin tưởng được chia sẻ, tin tưởng vì được an ủi và động viên, tin tưởng vì được hiểu và đặt đúng chỗ.
Hiếm khi một thông điệp đầu năm lại len lỏi vào mâm cơm của mỗi gia đình, ngự trị trên mỗi bàn café như vậy, thậm chí trở thành chủ đề chính trong những bữa liên hoan gặp mặt. Đó là biểu hiện thật nhất, tất cả chúng ta đã nghe tiếng nói thật đó và đều hiểu rằng, cả xã hội ủng hộ và chia sẻ. Thông điệp của Thủ tướng chính là một cuộc đối thoại gián tiếp đầy hiệu quả với nhân dân.
Tuy vậy, một bức thông điệp không thể thay đổi cả nền kinh tế, chưa thể phá tan tảng băng bất động sản, cũng không phải nền giáo dục vươn lên hoàn thiện ngay sau đó và tất nhiên, sau sáng mai thức dậy, ai ai cũng vụt trở thành những con người nhân ái! Nhưng đó là khởi đầu đầy mong đợi.
Sau những năm tháng lúng túng, bức thông điệp đó đã làm chính quyền và người dân chia sẻ được với nhau để cùng nhìn về một hướng.
Tôi cũng xin nói thêm về việc cùng nhìn về một hướng, đó là, sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong chống tham nhũng đã được thể hiện trong thời gian gần đây, đó là các vụ án được xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội cho thấy, quyết tâm chống tham nhũng đã được cụ thể hóa, không chỉ còn là khẩu hiệu.
Đó là báo hiệu một khởi đầu nhiều hứa hẹn?
Đó là một khởi đầu cho những cam kết. Những cam kết dựa trên đạo đức, luật pháp và sự phát triển của xã hội. Đây là dấu hiệu tốt đẹp để tất cả tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.
Thưa ông, có lẽ, hành trình tới tương lai, thì hành trang nhất định không thể chỉ là những thuận lợi?
Tôi chắc chắn như vậy, nhưng khi cả dân tộc cùng nắm tay nhau, những thách thức trong vấn đề biển Đông, về biên giới, những tranh chấp trên thị trường, hay cỗ xe kinh tế có nhập vào đại lộ mong muốn hay không, chắc chắn sẽ không làm bất cứ ai trong chúng ta phải lo âu và run sợ.
Mặc dù, đó đây vẫn còn những kẻ hành động phi nhân tính, đó đây vẫn còn những thói vô luân... nhưng chúng ta đã cùng nhau nhận ra đó là điểm yếu và cả xã hội đã đồng lòng lên tiếng.
Như trên tôi đã nói, khi con người khao khát tìm kiếm con đường ánh sáng, thì điều có ý nghĩa nhất chính là, họ nhận thức được họ đang bị chìm trong bóng tối và tất nhiên, đồng lòng khao khát, thì nhất định ánh sáng sẽ phải tới.