“Đông lạnh” để cứu chứng khoán

Có nhiều cách hiểu về hành động "cứu chứng khoán" của cơ quan quản lý vừa qua. Cứu chứng khoán là tránh việc để nó rơi sâu trong cơn suy thoái.
“Đông lạnh” để cứu chứng khoán

Theo tiêu chí này, mốc 486 điểm là mốc báo động cao nhất khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quyết định "đóng băng một phần thị trường" bằng điều chỉnh biên độ giao dịch xuống mức tối thiểu 1% và 2% cho HOSE và HASTC. Giải pháp này xem ra khá hợp lý, 4 phiên liên tiếp "tăng trần" không dư bán, hình như TTCK đã tránh được một kịch bản xấu rất có thể xảy ra nếu không ra tay kịp thời. Hiện tại, chúng ta buộc phải chờ đợi tính khả thi của các giải pháp đồng bộ của Chính phủ hướng vào việc ổn định và tăng trưởng TTCK, cũng như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Những biện pháp này phát huy tác dụng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tấm gương phản ánh nó mới sáng - TTCK mới hồi sinh. 

Nhưng đối với nhà đầu tư, "cứu chứng khoán" không chỉ là việc "đông lạnh" nó như vậy. Một TTCK thực sự đảo chiều đi lên mạnh mẽ mới là "được cứu", mới nằm trong kỳ vọng của họ. Bốn phiên tăng "đông lạnh" vừa qua chưa bằng 1/2 phiên "Bull Trap" trước đây. Họ chỉ muốn cắt biên độ giảm xuống, nhưng không cắt biên độ tăng, kiểu như phim Trung Quốc trước đây, kiểu gì thì Bát Lộ Quân cũng thắng, thiệt hại luôn ít hơn địch. Mong muốn "hữu hình" này là chính đáng và đó là mong muốn của tất cả, không phải riêng ai. Nhưng điều đó có nên không, kịch bản đó có diễn ra như vậy không, không ai dám chắc. Một điều chắc chắn, khi một người lâm bệnh, phải can thiệp hồi sức cấp cứu kiểu "đông lạnh" như trên, mà bắt họ vẫn phải đủ ngày 3 bữa như người thường, họ có tiêu hóa nổi không? Đấy là chưa nói khi "rã đông", kể cả thuốc thang đã đủ, người bệnh vẫn cần có thời gian luyện tập trước khi hồi phục hoàn toàn. Ví dụ như biên độ giao dịch sẽ tăng dần theo lộ trình 2%, 3%, 4% rồi mới gỡ bỏ hoàn toàn. Đây mới là kịch bản hoàn hảo để cứu chứng khoán.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, "cứu chứng khoán" phải là quá trình trả lại tên cho TTCK. Phải làm gì để TTCK là một thị trường vốn, một kênh huy động vốn hữu hiệu chứ không phải là một thị trường bong bóng, một kênh thoát vốn bằng mọi cách như vừa qua. Bài học đắt giá này không phải của riêng ai, từ các nhà đầu tư đến các nhà phát hành, từ các tổ chức tài chính, ngân hàng đến các nhà điều hành. Đã có những nhận thức sai về bài toán cung cầu hay những ngộ nhận về kỳ vọng đầu tư, quan điểm đầu cơ… Đã có nhiều sai lầm trong đánh giá, bất cẩn trong thực hiện. Trong nền kinh tế, TTCK chịu thiệt hại nặng nề nhất sau hơn một năm Việt Nam gia nhập WTO. Cái mất lớn hơn của TTCK là vai trò PR cho công cuộc CPH bị mất giọng. Nền kinh tế mới nổi của chúng ta còn quá nhiều việc để làm cũng như phải điều chỉnh lộ trình đảm bảo cho hội nhập thành công.

Còn có nhiều quan điểm khác về "cứu chứng khoán", kể cả quan điểm của một số người là "không cứu". Điều này là tự nhiên, cũng như việc có bao nhiêu người cho rằng chứng khoán sẽ lên thì có từng ấy người cho rằng chứng khoán sẽ xuống. Vấn đề lên hay xuống thực ra không quan trọng bằng việc có một TTCK hoạt động lành mạnh, minh bạch trong một nền kinh tế phát triển bền vững. Có vậy, trong tương lai việc "cứu chứng khoán" nếu có sẽ được công chúng tán thành như là việc hỗ trợ thông qua các biện pháp kinh tế và gián tiếp, chứ không phải mang tính hành chính và trực diện như hiện nay.            

Tuấn Tú
Tuấn Tú

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ