Việc này nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP HCM), do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đây là các dự án khẩn cấp đã được Chính phủ cho phép rút ngắn trình tự đầu tư.
Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài gồm nâng cấp đường 11L/29R (1A) và 11R/29L (1B); xây mới 3 đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu.
Cùng với đó là xây dựng các công trình quản lý bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước... Tổng mức đầu tư dự án là 2.030 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách Nhà nước.
Để phục vụ công tác sửa chữa, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra phương án đóng lần lượt từng đường băng tại cảng hàng không Nội Bài từ 1/7 đến hết năm.
Các đường băng sẽ được đóng từng phần để đảm bảo thi công và không làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động khai thác của sân bay.
Giai đoạn đầu, đường băng 1A được đóng trong 20 ngày để làm đường lăn tránh. Sau đó, chủ đầu tư mở lại đường này và đóng một phần đường băng 1B, rồi đóng phần còn lại của 1B để sửa chữa. Song song đó là xây mới, sửa chữa đường lăn.
Ông Tô Tử Hà, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đánh giá tần suất chuyến bay trong một giờ sẽ giảm do máy bay chỉ cất và hạ cánh trên cùng đường băng, thay vì trên hai đường băng như trước.
Nhiều chuyến bay tại khung giờ cao điểm như hiện nay sẽ được giãn vào các giờ thấp điểm. Tổng số chuyến bay trong ngày tại Nội Bài vẫn được duy trì như trước.
Hiện Nội Bài bước vào giai đoạn cao điểm hè, khai thác trung bình 400-450 lượt chuyến bay nội địa, với hơn 60.000 hành khách mỗi ngày, tương đương cùng kỳ năm trước.
"Việc giãn chuyến bay giờ cao điểm phụ thuộc sự điều hành của hãng hàng không, hành khách cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ hãng và đến sân bay trước chuyến bay ít nhất 2 giờ", ông Tô Tử Hà khuyến cáo.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị thi công sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu... Dự án có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách Nhà nước.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã quyết định đóng đường băng 25R/07L, đường lăn E1, NS1, W4, W6 từ ngày 1/7 đến 31/12 để phục vụ sửa chữa. Trong thời gian đóng đường băng này, máy bay sẽ cất hạ cánh trên đường băng còn lại là 25L/07R.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được giao phối hợp với các đơn vị triển khai các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cũng như duy trì hoạt động khai thác tại sân bay trong thời gian thi công; lập phương án tổ chức thi công an toàn.
Theo Bộ Giao thông Vân tải, khởi công hai dự án vào đầu tháng 7 là cần thiết vì tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng vẫn thấp do ảnh hưởng của Covid-19. Sau khi hết dịch, nhu cầu đi lại tăng, việc đóng cửa đường cất hạ cánh sẽ càng thêm khó khăn.
Từ năm 2017 đến nay, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.
Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, hai sân bay cần cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn.