Đồng đô la Mỹ đã tăng 1,7% so với rổ 6 loại tiền tệ chính khác trong tuần này, đây cũng là hiệu suất hàng tuần tốt nhất kể từ tháng 9/2022 khi kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất sớm đã giảm bớt.
Hôm thứ Sáu (12/4), đồng euro và đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ tháng 11 ở mức lần lượt là 1,0642 đô la và 1,245 đô la, trong khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm.
Quentin Fitzsimmons, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại T Rowe Price cho biết: “Mỹ là trường hợp đặc biệt với chính sách tài khóa rất lỏng lẻo và giờ là chính sách tiền tệ thắt chặt, đây là công thức giúp đồng đô la mạnh hơn…Từ thông dụng đang phổ biến trên thị trường vào thời điểm hiện tại là sự phân kỳ”.
Sự gia tăng lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tuần này - đạt mức cao hơn dự kiến 3,5% trong tháng 3 - đã khiến thị trường tăng kỳ vọng rằng Fed có thể thực hiện chỉ một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Mức giảm của một số đồng tiền lớn đối với đồng đô la từ đầu năm tới nay |
Hôm thứ Năm (11/4), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã báo hiệu rằng vẫn đang trong quá trình thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Áp lực lên đồng euro đã gia tăng do kỳ vọng ngày càng tăng rằng lãi suất khu vực đồng euro sẽ giảm trước lãi suất ở Mỹ. Đồng euro đã giảm 1,8% trong tuần này, là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2022.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Iran nhằm vào Israel cũng có thể góp phần khiến đồng đô la tăng giá mạnh.
Francesco Pesole, nhà phân tích tiền tệ tại ING cho biết: “Căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nữa, tất cả đều có lợi cho đồng đô la trong thời gian tới”.
Đồng đô la được xem là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời điểm bất ổn địa chính trị gia tăng.
Trong khi đó, việc sức mạnh đồng đô la được duy trì có thể gây ra vấn đề cho các quốc gia đang tìm cách cắt giảm lãi suất mà không làm suy yếu đồng tiền của họ và đẩy nhanh tốc độ tăng của giá.
Triển vọng về lạm phát đã trở nên phức tạp do giá dầu tăng vọt, khi giá dầu Brent lần đầu tiên đạt 92 USD/thùng kể từ tháng 10 vào ngày 12/4 trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về xung đột ngày càng mở rộng ở Trung Đông.
“Các ngân hàng trung ương khác rõ ràng không muốn đồng tiền của họ suy yếu nghiêm trọng…vì điều đó có nghĩa là sẽ tạo áp lực lên lạm phát”, James Novotny, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Jupiter Asset Management cho biết.
Các thị trường đang kỳ vọng rằng ECB sẽ thực hiện ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất 25 điểm điểm cơ bản vào cuối năm nay, so với hai lần cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và chỉ một hoặc hai lần cắt giảm lãi suất đối với Fed.
Đồng yên Nhật Bản là đồng tiền chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự thay đổi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ, đẩy đồng yên xuống mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ năm 1990, khiến Bộ Tài chính nước này rơi vào tình trạng báo động đỏ về khả năng can thiệp ngoại hối.
Masato Kanda, Thứ trưởng tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản cho biết hôm thứ Năm (11/4) rằng, các nhà chức trách sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào nhằm giải quyết những biến động quá mức của tỷ giá hối đoái.
Mark Dowding, giám đốc đầu tư tại RBC BlueBay Asset Management cho biết tác động của bất kỳ sự can thiệp nào sẽ khá tốn kém và mang tính chất tạm thời.
“Đồng yên đã bị suy yếu bởi chính sách tiền tệ quá nới lỏng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ)…Có vẻ như đồng yên vẫn dễ bị tổn thương chỉ vì khoảng cách chính sách vẫn còn quá lớn”, ông cho biết.