Đông đảo nhân dân và du khách về dự Lễ dâng hương chính hội Lễ hội Đảo Dấu

0:00 / 0:00
0:00
Đêm 18/3, rạng sáng 19/3 (tức đêm 9/2, ngày 10/2 Âm lịch), tại Đảo Dấu, quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương chính hội Lễ hội Đảo Dấu – Đồ Sơn năm 2024.
Đông đảo nhân dân và du khách về dự Lễ dâng hương chính hội Lễ hội Đảo Dấu

Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tưởng niệm ngày mất của “Nam Hải Thần Vương”- một vị tướng nhà Trần hi sinh vào thế kỷ XIII, được tôn là vị thần biển linh thiêng của người dân Đồ Sơn.

Lãnh đạo quận thực hiện nghi thức dâng hương

Lãnh đạo quận thực hiện nghi thức dâng hương

Lễ dâng hương chính hội Đảo Dấu đã diễn ra với các nghi thức: lễ pháp tấu, lễ dâng hương, rước lễ, chuyển lễ, lễ ở nhà đàn và lễ tiễn đàn. Trong đó, phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, tiễn đàn thả thuyền giấy trên biển. Nghi lễ rước đèn được thực hiện từ lúc 23h đến sáng. Theo quan niệm của những người đi biển ở Đồ Sơn, rước đèn về đêm là rước thần hiển linh để phù hộ cho nhân dân trong vùng.

Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính

Các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính

Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống Đảo Dấu được duy trì đều đặn, trở thành điểm nhấn tâm linh và phong tục tập quán, tín ngưỡng của ngư dân vùng cửa biển Đồ Sơn nói riêng và ngư dân vùng duyên hải phía Bắc nói chung. Đây cũng là dịp để du khách thập phương về chiêm bái.

Độc đáo nghi thức thả thuyền giấy trên biển tại Lễ hội đảo Dấu

Độc đáo nghi thức thả thuyền giấy trên biển tại Lễ hội đảo Dấu

Theo Đại Nam nhất thống chí và tương truyền, hôm đó vào ngày mùng 9 tháng 2 âm lịch năm 1288, ngư dân đánh cá gần đảo Dấu Đồ Sơn phát hiện thấy một thi thể trên sóng nước bèn đưa lên đảo. Qua trang phục và tất cả những gì thu thập được mọi người nhận ra đây là vị võ tướng nhà Trần đã hi sinh và dạt về đây. Trong đêm tối, ngư dân và người trên đảo chuẩn bị nghi lễ để hôm sau an táng. Sáng hôm sau mọi người vô cùng ngạc nhiên khi thấy thi thể của người đã bị mối đùn lên lấp kín, biết tướng quân được thiên táng mọi người cầu xin được sửa sang phần mộ cho đẹp đẽ. Thời gian sau đó người dân thấy vị võ tướng hiển linh thành ông già râu tóc bạc phơ khi dạo chơi, lúc câu cá. Người dân Đồ Sơn thành kính gọi người là “Lão Thần Đảo”.

Rất đông nhân dân và du khách thập phương tham dự Lễ hội

Rất đông nhân dân và du khách thập phương tham dự Lễ hội

Vào thời nhà Lê, khi vua Lê kinh lý vùng Đồ Sơn nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ tự xưng là thần đảo. Hôm sau nhà vua lên thuyền và kể lại cho mọi người cùng nghe và phán rằng “Nếu là Thần đảo hãy cho ta một ứng báo”. Vua vừa dứt lời, một con cá to quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, nhà Vua ban cho người tước hiệu “Lão Đảo Thần Vương”. Đến đời vua Tự Đức, ngự giá kinh lý vùng biển phía Nam gặp sóng to gió lớn đã chắp tay thành tâm khẩn cầu và lời nhà vua vừa dứt thì trời yên biển lặng. Nhà vua phong cho người tước hiệu Nam Hải Thần Vương và truyền cho trăm họ lập đền thờ phụng.

Hằng năm, để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng, quận Đồ Sơn tổ chức Lễ hội Đảo Dấu từ ngày mùng 1 tháng 2 Âm lịch, hội chính diễn ra trong 3 ngày 8,9,10 để cầu cho Quốc thái dân an. Trong lễ hội có tục rước đèn và thả thuyền giấy vào giờ Tí (tức 23h00' đêm ngày mùng 9 tháng 2). Tàu bè đi Bắc về Nam đều qua cửa đền cầu mong được chở che trước sóng to gió lớn, cầu mong một năm đi biển được bình yên. Du khách đến đến thờ Nam Hải Thần Vương cầu cho được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.

Tại đảo Dấu, ngoài đền thờ Nam Hải Thần Vương còn có ngọn Hải Đăng làm nhiệm vụ chỉ dẫn cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Đây là công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892, hoàn thành năm 1896 và đi vào hoạt động từ tháng 6/1898. Là một trong những ngọn đèn biển nổi tiếng nhất Việt Nam, có chiều cao 63,5m so với mực nước biển, được thiết kế theo hai phần chính gồm tòa trưng bày và tháp đèn. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hải Đăng Hòn Dấu là minh chứng cho truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân Đồ Sơn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên đảo Hòn Dấu còn có khu rừng nguyên sinh, trong đó quần thể 35 cây đa búp đỏ từ 400 - 700 năm tuổi đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.

Với các yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, đảo Hòn Dấu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia theo Quyết định 320/QĐ-BVTTTDl ngày 22/1/2009.

Đây là năm thứ 2 diễn ra chương trình “Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn mở rộng Đồ Sơn” tại Lễ hội đảo Dấu.

Đây là năm thứ 2 diễn ra chương trình “Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn mở rộng Đồ Sơn” tại Lễ hội đảo Dấu.

Trước đó, đêm bế mạc của Chương trình liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn quận Đồ Sơn mở rộng lần thứ II - năm 2024 đã thành công tốt đẹp với những giá hầu vô cùng đặc sắc, thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham dự như: Giá Đức Thánh ông Trần Triều; Giá Quan Lớn; Giá Đệ Nhị Thượng Ngàn; Giá Chầu Bé Bắc Lệ; Giá Quan Hoàng Mười; Giá Cô Bé Sapa; Giá Cậu Bé qua phần trình diễn của các Nghệ nhân ưu tú: Hoàng Gia Nhật, Nguyễn Thị Sinh và thanh đồng Trần Vũ Tiến.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục