Đánh thức tiềm năng du lịch biển Cồn Đen

0:00 / 0:00
0:00
Với cảnh đẹp hoang sơ, vùng biển trong xanh và nền văn hóa độc đáo, bãi biển Cồn Đen (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đang trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Cồn Đen sở hữu nét đẹp bình yên, hoang sơ với bãi cát bồi màu nâu sậm, phẳng, trải dài bất tận. Khi đón ánh bình minh, mặt biển được tráng một lớp nước mỏng, tựa tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời, cảnh vật. Theo chia sẻ của người dân địa phương, từ khoảng tháng 5 đến tháng 10, chỉ cần trời không mưa và mực nước triều cường khoảng 2,5 - 3 m, thì mỗi sớm bình minh, hình ảnh “biển vô cực” sẽ xuất hiện tại Cồn Đen.

Nằm giữa dòng sông Hồng và biển Đông, cảnh quan đa dạng với biển, sông và rừng ngập mặn, Cồn Đen hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Từ năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Cồn Đen với diện tích 1.150 ha, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu, vui chơi giải trí... Tuy nhiên, theo ông Vũ Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú, chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, dù sở hữu tiềm năng lớn, nhưng du lịch Cồn Đen vẫn chưa phát triển tương xứng.

Hệ thống cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ du lịch tại địa phương còn hạn chế; sự liên kết giữa khu du lịch và các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cũng như trong việc xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu chặt chẽ và tầm nhìn về quy hoạch phát triển du lịch bền vững khiến khu du lịch Cồn Đen vẫn là “viên ngọc thô” chưa được khai thác hiệu quả.

PGS-TS. Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, để khai thác hiệu quả tiềm năng khu du lịch biển Cồn Đen, trước hết, nên tập trung phát triển thị trường khách nội địa. Sau đó, tiếp tục xây dựng mối liên kết văn hóa để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn tại các điểm đến, qua đó khơi dậy sự tò mò và kích thích du khách đến với Cồn Đen.

Đầu tháng 1/2024, tại Tọa đàm “Kết nối, phát triển du lịch Cồn Đen 2024” do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Phú tổ chức với sự tham gia của đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, bà Stella Ciorra, Phó chủ tịch Hội Những người bạn của di sản Việt Nam (FVH) cũng nhấn mạnh, Cồn Đen cần tận dụng tiềm năng vốn có để xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo “gây thương nhớ” cho du khách.

“Bắt ngao, chế biến món ăn, làm nước mắm ngao... là những trải nghiệm mà bất cứ du khách quốc tế nào cũng muốn tham gia. Đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, các loại hình văn hóa dân gian độc đáo cùng nền ẩm thực phong phú là những điểm mạnh để Cồn Đen thu hút khách nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội”, bà Stella Ciorra nói.

Ngoài tận dụng hạ tầng hiện có, việc đầu tư vào các hoạt động du lịch mạo hiểm như lặn biển, hoặc các tour khám phá tự nhiên, câu cá sẽ giúp khu du lịch tăng sức hút với nhóm du khách ưa khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt, việc phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn môi trường là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của Cồn Đen trong quá trình phát triển du lịch.

“Thời gian tới, Hội sẽ hợp tác với Khu du lịch sinh thái Cồn Đen trong việc xây dựng sản phẩm, kéo khách quốc tế đến Cồn Đen. Nhiều doanh nghiệp lữ hành Bắc - Trung - Nam cũng cam kết tăng cường hợp tác với Cồn Đen để đưa du lịch Thái Bình tăng tốc trong thời gian tới”, bà Stella Ciorra chia sẻ.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương cùng các nhà đầu tư cũng bắt đầu triển khai các dự án phát triển du lịch tại Cồn Đen. Việc xây dựng các khu resort, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ giải trí sẽ mang lại cơ hội mới cho ngành du lịch của Thái Bình. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình này.

Để đánh thức tiềm năng của Cồn Đen, công tác quảng bá và tiếp thị đóng vai trò rất quan trọng. Các chiến lược quảng bá thông minh và hiệu quả sẽ đưa Cồn Đen trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp lữ hành và cộng đồng địa phương được coi là mấu chốt.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục