Theo công ty nghiên cứu Stratfor của Mỹ, Gazprom rõ ràng đang thúc đẩy việc xây dựng hệ thống đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, mà dấu hiệu mới đây nhất là việc Gazprom kêu gọi hãng năng lượng Saipem của Italia và công ty Europipe của Đức cùng tham gia vào dự án. Sau khi hoàn thiện dự án này, Gazprom sẽ ngừng việc sử dụng hệ thống đường ống cũ đi qua Ukraine vào năm 2019.
Các chuyên gia tại Stratfor nhấn mạnh: “Nga đã tuyên bố kế hoạch bắt đầu xây dựng phần đường ống dưới nước vào tháng Sáu tới. Gazprom cũng đã nói với châu Âu rằng, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ chấm dứt việc sử dụng hệ thống đường ống cung cấp khí đốt hiện tại qua Ukraine vào năm 2019, và việc vận chuyển sẽ thông qua hệ thống mới”.
Thực tế, Nga đã khôi phục lại các hợp đồng vận chuyển 150.000 m3 khí với Europipe và thông báo rằng nhà thầu phụ Saipem sẽ bắt đầu xây dựng phần đường ống tại Biển Đen trong thời gian tới.
Trong khi các chuyên gia châu Âu vẫn còn đang nghi ngờ rằng, liệu Nga có khả năng để thúc đẩy dự án này không nếu châu Âu từ chối xây dựng phần đường ống tiếp nối để nhận khí đốt từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã sớm đầu tư đủ để bắt đầu xây dựng phần đầu tiên trong kế hoạch.
Mặc dù việc xây dựng toàn bộ 4 đường ống khổng lồ song song trong “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ là một quá trình phức tạp và buộc Nga phải đối diện với rất nhiều khó khăn về tài chính cũng như chính trị nhưng theo các chuyên gia, Nga đã sẵn sàng để chấp nhận mọi rủi ro.
Bên cạnh đó, “Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ năng lượng quan trọng của Nga trong dài hạn. Nhu cầu khí đốt tự nhiên của quốc gia này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Cho đến giữa những năm 2020, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt tới khả năng vận chuyển tối đa của 2 trong số 4 đường ống của dự án, và nhu cầu này sẽ đạt đến tổng khối lượng vận chuyển qua 1 đường ống trong thời gian sắp tới”, Stratfor cho biết.
Cũng theo nhiều nhà phân tích, việc xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” là hành động một mũi tên trúng 2 đích của Nga. Nếu các nước phương Tây xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nối tại lãnh thổ châu Âu, Nga sẽ ngay lập tức có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động cung cấp khí đốt của mình. Nếu không, hệ thống đường ống mới vẫn cho phép Nga mở rộng khả năng xuất khẩu sang thị trường thay thế là Thổ Nhĩ Kỳ.