Theo số liệu cập nhật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ, trong tháng 8/2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 15.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Long An, Kiên Giang, Cần Thơ vẫn là các địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký dẫn đầu toàn vùng. Trong đó, Long An vượt trội khi có gần 200 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 30% toàn vùng.
Tổng 8 tháng đầu năm 2020, cả vùng ĐBSCL có hơn 6.500 doanh nghiệp thành lập mới, hơn 2.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Với xu hướng phục hồi như hiện nay, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể có tăng nhưng không đáng kể.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm ĐBSCL có 1.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 2.800 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và gần 1.200 doanh nghiệp đã giải thể.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong tháng 8 năm 2020, vùng ĐBSCL chỉ thu hút thêm được 3 dự án FDI mới với số vốn đăng ký đạt 73 triệu USD, thấp hơn so với tháng 7. Trong đó, Long An có thêm 1 dự án với số vốn 55 triệu USD, Tiền Giang có 2 dự án với số vốn 2 triệu USD, Bến Tre và Cà Mau có sự điều chỉnh tăng vốn thêm lần lượt 4 và 12 triệu USD…
Lũy kế đến tháng 8 năm 2020, cả vùng ĐBSCL có gần 1.800 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27 tỷ USD. Long An vẫn là tỉnh dẫn đầu về số lượng dự án cũng như số vốn đăng ký khi có hơn 1.200 dự án với vốn đăng ký hơn 8 tỷ USD. Kế đến là Tiền Giang (125 dự án, vốn đăng ký gần 2,7 tỷ USD).
Tháng 8/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL đạt gần 2,5 tỷ USD với hơn 1 triệu USD thặng dư thương mại. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ĐBSCL đạt hơn 18 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% cả nước. Trong đó, thặng dư thương mại của ĐBSCL đạt 6 tỷ USD, xếp thứ 2 toàn quốc (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc).