Cụ thể, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán trong hệ thống ngân hàng tăng gần 1,9% so với hồi đầu năm. Trong đó, huy động vốn tăng gần 1,4% (VND tăng 0,98%, ngoại tệ tăng xấp xỉ 4%), dư nợ cho vay tăng khoảng 1,7% (VND tăng 1,4%, ngoại tệ tăng gần 4%).
Trao đổi với phóng viên, nhân viên giao dịch một ngân hàng trên đường Hoàng Đạo Thúy nói: “Chị cho em biết số tiền USD chị định gửi vào ngân hàng là bao nhiêu để bên em tính mức lãi suất phù hợp cho chị”.
"Đồng bạc xanh ngày càng trở nên hấp dẫn hơn so với VND là điều dễ hiểu"
- TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Những thông tin trên phần nào cho thấy, các ngân hàng vẫn đang âm thầm huy động USD.
Nhìn lại năm 2016, trong khoảng 9 tháng đầu năm, tỷ giá tại nhiều ngân hàng thương mại ít biến động và phổ biến ở mức 22.330-22.350 VND/USD. Tuy nhiên, bước sang quý IV, đặc biệt từ đầu tháng 11, tỷ giá đã có những biến động, do áp lực từ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh yếu tố mùa vụ, đến cuối tháng 12 phổ biến ở mức 22.790-22.800 VND/USD, tăng 1,1% so với cuối năm 2015.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào được đánh giá là yếu tố chính hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối trong năm 2016. Do vậy, NHNN có điều kiện can thiệp vào thị trường ngoại hối, cụ thể là bán ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, NHNN không thể mỗi lẫn có biến động trên thị trường ngoại hối lại bán ngoại tệ. Đặc biệt trong những thời điểm Fed tăng lãi suất sẽ làm giá trị USD tăng lên, qua đó tăng tính hấp dẫn của USD.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB phân tích, về nguyên lý một đồng tiền có xu thế tăng về lãi suất, đồng tiền đó trở nên hấp dẫn và khuyến khích trào lưu những người nắm giữ đồng tiền khác sẽ chuyển sang để nắm giữ đồng tiền đó. Đối với USD, khi lãi suất tăng sẽ gây áp lực mạnh lên VND, đặc biệt với tuyên bố của Fed sẽ còn tăng lãi suất 2 lần nữa trong năm 2017 và 3 lần nữa trong năm 2018, sẽ càng tạo nên tính hấp dẫn cho USD.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm 2017 sẽ khó khăn hơn do các yếu tố như: một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, lạm phát có khả năng tăng trong năm 2017 khi giá hàng hóa thế giới phục hồi, cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016, do khả năng quay lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ và một số nước khác trên thế giới.
Nhận định về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 của Ngân hàng ANZ Việt Nam, bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN của ANZ dự báo, đồng USD sẽ tăng lên mức 23.200 đồng vào cuối năm.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2-4%. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ có những thay đổi mạnh hơn đối với tỷ giá trung tâm trong năm 2017, hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu mà không gây ảnh hưởng quá lớn đến lạm phát, dự báo VND sẽ mất giá 3-5% ở kịch bản cơ sở.
“Đồng bạc xanh ngày càng trở nên hấp dẫn hơn so với VND là điều dễ hiểu”, TS. Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung cũng đưa ra phân tích đáng chú ý: “Hiện các ngân hàng thương mại huy động ngoại tệ từ bên ngoài khá nhiều, bởi đây là nguồn huy động lớn trong cơ cấu huy động, vì nguồn ngoại tệ huy động trong nước đang dần cạn kiệt. Chẳng hạn, VIB đang huy động ngoại tệ thông qua chương trình tài trợ thương mại toàn cầu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho những nước thứ ba nhằm khuyến khích xuất nhập khẩu, hiện đã lên tới 250 triệu USD”.
Tương tự, IFC đã phê duyệt gói tài chính trị giá 125 triệu USD nhằm giúp Ngân hàng VPBank mở rộng vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển các cơ hội thương mại quốc tế.
Tháng 2 vừa qua, ADB đã ký kết Hợp đồng cho vay tuần hoàn (RCA) trong Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu với Ngân hàng SHB. Theo hợp đồng này, tổng giá trị các giao dịch mà SHB có thể sử dụng cho giao dịch xuất nhập khẩu tại một thời điểm có thể lên tới 150 triệu USD.
“Thực tế, đây là những nguồn huy động ngoại tệ chính của các ngân hàng thương mại”, ông Trung nhấn mạnh.